Mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) gây ra nhiều bức xúc, lo lắng cho xã hội với con số ngộ độc năm sau luôn cao hơn năm trước. Để góp phần cải thiện tình trạng này, Mặt trận tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt các hoạt động giám sát ATVSTP, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Thanh tra, kiểm tra kho chứa nguyên liệu tại khu sinh thái Thái Hải, thành phố Thái Nguyên. (Nguồn: CTTĐT tỉnh Thái Nguyên).
Mất an toàn thực phẩm còn cao
Hiện Thái Nguyên có 10.721 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong năm 2016 và quý I năm 2017, toàn tỉnh đã xử lý hành chính 1.696 vụ vi pham quy định về an toàn thực phẩm, thu nộp ngân sách trên 880 triệu đồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, công tác về ATVSTP đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, đặc biệt là 3 ngành: y tế, công thương và nông nghiệp. Qua thực hiện thanh tra trong năm 2016, toàn tỉnh đã xử lý vi phạm hành chính 1.696 vụ, thu nộp ngân sách hơn 800 triệu đồng. Trong đó, các hoạt động giám sát, kiểm tra ATVSTP được coi là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của các cấp chính quyền, MTTQ cùng các tổ chức thành viên.
Trước thực trạng tình hình ATVSTP đang có diễn biến phức tạp, đoàn giám sát đã kiểm tra, giám sát ATVSTP huyện Phú Lương. Theo đó, trong 2 năm 2016 và 2017 huyện Phú Lương đã cấp được gần 70 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho các tổ chức, cá nhân đồng thời tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm cho trên 150 cơ sở và gần 80 hộ dân. Công tác phối kết hợp của các ngành, MTTQ và các đoàn thể trong việc kiểm tra, xây dựng và kết chuỗi sản phẩm an toàn được đảm bảo; việc quản lý phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm cũng được huyện Phú Lương chú trọng thực hiện...
Phân công trách nhiệm giám sát cụ thể
Vừa chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Đức Minh- Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên cho biết: Với những hoạt động giám sát ATVSTP theo sự chỉ đạo chung của Trung ương cũng như sự thống nhất của lãnh đạo tỉnh, UBMTTQ tỉnh thấy rằng đây là một vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận và đông đảo nhân dân. Đặc biệt, đối với Thái Nguyên một tỉnh mà có lượng cán bộ công nhân viên chức, số lượng học sinh, sinh viên sử dụng các bếp ăn tập thể lớn. Do vậy, tỉnh đã đặt ra mục tiêu lấy ATVSTP làm thước đo của sự phát triển.
Để làm tốt việc này, ngay từ đầu năm Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai tới Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, các tổ chức thành viên, đồng thời phân công mỗi tổ chức thành viên chịu trách nhiệm ở một mảng nhất định. Ví dụ, Liên đoàn Lao động tỉnh chịu trách nhiệm giám sát ATVSTP trong các bữa ăn ca tại các nhà máy, công ty lớn. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chịu trách nhiệm giám sát chất lượng bữa ăn đường phố như phở, bún, bánh… ở Trung tâm thương mại hoặc các khu chợ dân sinh. Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh theo hệ thống của mình tổ chức các hoạt động giám sát cho phù hợp, còn Mặt trận sẽ trực tiếp giám sát tại 3/9 huyện, thành phố, thị xã và giám sát gián tiếp ở 6 huyện, thành phố, thị xã còn lại.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, “đối với 3 đơn vị Mặt trận tham gia giám sát trực tiếp, trước khi giám sát có tổ chức khảo sát, trong đó mỗi huyện phải khảo sát ít nhất 2 xã, phường để đánh giá toàn diện trước khi giám sát về sự quản lý nhà nước của cấp huyện. Qua giám sát, đoàn giám sát cũng đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về ATVSTP và cũng được một số địa phương có những hạn chế đó rút kinh nghiệm”.
Tuy nhiên, qua giám sát thấy rằng nhiều hoạt động chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, việc sản xuất và kinh doanh rượu còn hạn chế. Nhiều hộ sản xuất rượu không có tem, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước cũng không đến kiểm nghiệm chất lượng. Đây là yếu kém của địa phương mà đến nay vẫn chưa khắc phục được. Kể cả một số nơi khi đoàn giám sát thấy không đảm bảo chất lượng nhưng việc xử lý đến đâu lại là câu chuyện khác. Ví dụ, tại những cơ sở sản xuất bún bánh, người dân xung quanh đều kêu ca về tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng giải quyết triệt để việc này rất khó vì việc sản xuất này gắn liền với từng gia đình ở khu dân cư.
“Khi có kết luận giám sát, Mặt trận luôn kiên trì đề nghị các cơ quan được giám sát và cơ quan cấp trên của đơn vị được giám sát thực thi kết luận của đoàn giám sát. Đối với những cơ sở nghiêm túc tiếp thu, nghiêm túc điều chỉnh thì không có vấn đề gì nhưng đối với những cơ sở mà cứ viện cớ nọ kia hoặc thoái thác trách nhiệm cũng sẽ gây khó khăn nhất định vì chúng ta không có chế tài xử lý. Vì vậy, trong thời gian tới, mong rằng Đảng, Nhà nước nên có cơ chế cũng như công cụ để hoạt động giám sát, phản biện được thực hiện tốt hơn”- ông Minh khẳng định.