Ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc và tiếp xúc với học sinh, giáo viên, lãnh đạo ngành giáo dục ở TP/HCM.
Tại trường THPT Lê Quý Đôn (Q. 1), ông Nhạ cho rằng, đây là ngôi trường có truyền thống, lâu đời bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á, từng là nơi theo học của nhiều nhân sĩ, trí thức lớn trong và ngoài nước. Vì thế, việc gìn giữ truyền thống, bên cạnh việc phát triển để hội nhập, đạt chuẩn là trường quốc tế thì tập thể thầy cô giáo, học sinh nơi đây cần cố gắng thêm nhiều mặt nữa. Ngoài ra, ông Nhạ cũng nhấn mạnh, ưu tiên của giáo dục hiện nay không phải là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mà chính là con người. Cụ thể, khi các tiêu chí của giáo dục thay đổi, việc nâng cao kiến thức, chất lượng, cách tiếp cận của đội ngũ giáo viên là vô cùng quan trọng. “Nếu muốn là trường đạt chuẩn quốc tế thì trước hết, bản thân tất cả các giáo viên cũng phải đạt tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q. 1), sau khi nghe các giáo viên ở đây tâm sự về những khó khăn, thuận lợi của việc áp dụng thông tư 30 (không chấm điểm, chỉ nhận xét học lực của học sinh), ông Nhạ cho biết. Mục đích của thông tư 30 là làm giảm áp lực thi cử, điểm số của thầy cô lẫn các em học sinh. Nếu trong quá trình thực hiện phát sinh các vấn đề khác thì cần điều chỉnh. Cụ thể, nếu sĩ số lớp quá lớn, lên đến 50 học sinh/lớp thì sẽ gây khó khăn cho giáo viên khi nhận xét từng học sinh. Vì vậy, ưu tiên giảm sĩ số để tăng chất lượng, đảm bảo các em được quan tâm, dậy dỗ và nhận xét thấu đáo hơn.
Cũng trong buổi làm việc này, ông Nhạ yêu cầu lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM cần có bước chuẩn bị chu đáo, đầy đủ cho kỳ thi tốt nghiệp quốc gia sắp tới. Hạn chế các vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh, đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc, tránh trường hợp ưu ái, buông lỏng công tác coi và chấm thì vì thành tích của địa phương mình.