Xử lý học sinh vi phạm luật giao thông là một trong những biện pháp quan trọng nhằm giáo dục, nâng cao ý thức của các em học sinh...
Gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh
Theo thống kê từ Bộ Công an, trong 10 tháng năm 2023, toàn quốc xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh độ tuổi dưới 18 tuổi (chiếm 8,96% số vụ tai nạn giao thông toàn quốc). Trong đó, có 737 vụ người dưới 18 tuổi điều khiển phương tiện hoặc đang đi bộ bị tai nạn, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông (ATGT). Trong đó lỗi chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59%; không có giấy phép lái xe 7,38%; không đội mũ bảo hiểm 42,9%; có cả lỗi học sinh vi phạm nồng độ cồn, ma túy…
Công an còn làm rõ 3 vụ đua xe trái phép, tạm giữ 57 đối tượng trong lứa tuổi học sinh, 51 xe mô tô; 201 vụ tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự công cộng, tạm giữ 395 đối tượng trong lứa tuổi học sinh và 537 mô tô vi phạm.
Tổ CSGT xử lý chéo địa bàn (thuộc Phòng CSGT TP Hà Nội) đã lập chốt, kiểm soát, xử lý nhiều học sinh vi phạm. Theo Thiếu tá Trần Quang Chinh - Tổ trưởng Tổ CSGT xử lý chéo địa bàn, tình trạng học sinh thủ đô vi phạm luật giao thông trở nên nóng hơn trên các tuyến đường gần trường học. Trong quá trình xử lý, có những học sinh mới học lớp 9 đã điều khiển xe gắn máy đòi hỏi phải có giấy phép lái xe cấp cho người trên 18 tuổi. Tình trạng học sinh sử dụng xe máy điện chưa đội mũ bảo hiểm khá phổ biến.
Hàng loạt những vi phạm về trật tự, ATGT liên quan đến học sinh cho thấy những nguy cơ hiện hữu đối với học sinh cần phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý thích đáng.
Siết chặt kỷ luật với học sinh, sinh viên vi phạm
Hiện toàn ngành giáo dục có trên 23 triệu học sinh, sinh viên. Các em vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông khi một số học sinh, sinh viên có ý thức và kỹ năng khi tham gia giao thông hạn chế, vi phạm pháp luật ATGT.
Trước tình trạng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị ngày 21/12/2023 tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Trong đó, nhấn mạnh phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Cụ thể, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn phụ trách. Chính phủ sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, ATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.
Đưa nội dung bảo đảm trật tự, ATGT đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học.
Đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học để ghi nhận các hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh, làm căn cứ xử lý và bình xét thi đua đối với từng lớp học, giáo viên và học sinh.
Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón con em vi phạm trật tự, ATGT tại các tuyến gần khu vực trường học.
Nhà trường vào cuộc quyết liệt
Bộ Công an chỉ ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về ATGT là các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiện còn chung chung, hình thức, chưa thực sự tác động hiệu quả đến đối tượng đặc thù là học sinh. Công tác giáo dục ATGT đã được các cơ sở giáo dục lồng ghép vào trong chương trình chính khóa nhưng chưa có khung chương trình chuẩn cho từng cấp học. Các nội dung học về ATGT chưa được thể hiện rõ nét trong nội dung thi và kiểm tra đánh giá, dẫn tới tình trạng học nhưng không thi do đó các nội dung này cũng chưa được học sinh và phụ huynh quan tâm.
Những tài liệu giáo dục ATGT ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hành chưa nhiều, dẫn đến học sinh chưa ghi nhớ thành kiến thức lâu dài; các nội dung giảng dạy trong trường học cơ bản giới hạn ở phần lý thuyết, khối lượng thực hành còn hạn chế, do các trường không có đủ điều kiện để thực hiện.
Phần thực hành kỹ năng tham gia giao thông và điều khiển các phương tiện của học sinh chủ yếu phụ thuộc vào việc quan tâm giảng dạy của cha mẹ học sinh, người giám hộ, trong khi đó một số gia đình chưa quan tâm, còn phó mặc cho con em mình tự tìm hiểu, tự thực hành dẫn tới thiếu kỹ năng thực hành.
Để giảm thiểu tình trạng vi phạm trật tự, ATGT trong liên quan đến học sinh, sinh viên, theo các chuyên gia, bên cạnh việc xử lý nghiêm học sinh, thanh thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, vi phạm ATGT cần chú trọng đến việc giáo dục nội dung này trong nhà trường, thực chất hơn nữa.
Ghi nhận tại nhiều nhà trường, việc trang bị kiến thức về ATGT cho học sinh được các trường tổ chức chủ yếu dưới hình thức ngoại khóa và mức độ khác nhau tùy từng cấp học. Do hình thức mở, không có kiểm tra, đánh giá nên nhiều học sinh lơ là, không chú ý dẫn tới việc dù các nhà trường thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức đầy đủ nhưng không phải mọi học sinh đều tiếp thu được. Vì vậy, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như tổ chức các cuộc thi, thuyết trình, vẽ tranh, lồng ghép vào các tiết học chính khóa phù hợp như môn giáo dục công dân, đạo đức… để học sinh chú ý, nắm được các nội dung quan trọng.
Tại trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội), ngoài việc phối hợp với Đội cảnh sát giao thông trật tự - Công an quận Ba Đình tổ chức các chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh, trong các tiết sinh hoạt lớp, các buổi chào cờ đầu tuần,… nhà trường cũng thường xuyên lồng ghép các nội dung liên quan để phổ biến tới học sinh.
Trong đó, lưu ý học sinh tiểu học ở độ tuổi hiếu động, ham chơi, không ý thức được nguy hiểm trên đường nên để các em tham gia giao thông an toàn, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp để thực hiện những giải pháp giáo dục an toàn giao thông cho học sinh hiệu quả nhất: nâng cao kiến thức cho trẻ, dạy trẻ nhận biết các tín hiệu đèn giao thông, dạy trẻ tuân thủ các loại biển báo, đi trên vạch kẻ đường, đi vào phần đường bên phải và đi đúng làn đường, đội mũ bảo hiểm, khi tham gia giao thông, không chở quá số người quy định trên xe, không dàn hàng hai, hàng ba, không chơi đùa trên đường.
Ông Trần Văn Đạt - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên – Bộ GDĐT:
Năm học 2023-2024 là năm học đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên , góp phần giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ. Các nhà trường cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT theo hướng tăng tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên, lồng ghép với các phong trào, các hoạt động của nhà trường một cách phù hợp, hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An:
Để đảm bảo an toàn tính mạng sức khỏe cho các em khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy và những người khác, đề nghị bổ sung quy định bồi dưỡng kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng lái xe an toàn cho người điều khiển xe gắn máy.