“Tôi tin rằng, mỗi hành động đều có giá trị, mỗi sáng kiến đều góp phần cho bảo vệ môi trường xanh, chúng ta hãy chia sẻ tầm nhìn và sự hiểu biết của chúng ta như một sứ mệnh của mình”, Đại sứ Elsbeth Akkerman nhấn mạnh tại hội thảo “Giảm thiểu rác thải nhựa - Hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân”.
Quang cảnh hội thảo.
Những kinh nghiệm của quốc tế và Hà Nội cũng như những thực hành của các nhóm doanh nghiệp, tổ chức, và cá nhân trong trong quản lý và giảm thiểu rác thải là những nội dung chính được chưa sẻ tại hội thảo “Giảm thiểu rác thải nhựa - Hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân” do Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội phối hợp với Live & Learn, tổ chức ICLEI và Đại sứ quán Hà Lan tổ chức ngày 8/11.
Hơn 100 đại biểu bao gồm chính quyền thành phố Hà Nội, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia quốc tế từ Đức, Hà Lan, Pháp và đại diện một số mô hình quản lý rác thải từ các địa phương (Huế, Hội An) tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết: Ở các thành phố lớn của Việt Nam hiện nay, tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, công nghệ tái chế nhựa đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi thói quen của người dân sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa một lần ngày càng tăng. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
TP Hà Nội đã tích cực tham gia đối thoại, chia sẻ thông tin, xây dựng mạng lưới hợp tác, cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa của ô nhiễm rác thải nhựa. Nhiều hội thảo huy động sáng kiến quốc tế và địa phương nhằm kêu gọi các bên liên quan đồng hành cùng thành phố trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa đã được tổ chức suốt năm 2018.
“Gần đây nhất là đối thoại giữa TP Hà Nội và TP Tokyo nhằm chia sẻ các sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ thành phố hành động hiệu quả, quyết liệt giải quyết vấn đề rác thải nhựa”, bà Chi cho hay.
Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho biết, nhựa vẫn đang và tiếp tục được sử dụng ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên để giảm thiểu tác động tiêu cực của nhựa chúng ta cần đưa ra các sản phẩm nhựa bền vững hơn, dễ tái chế hơn. Đồng thời, cần thay đổi thái độ về việc sử dụng nhựa dùng 1 lần. Bởi vòng đời của các sản phẩn nhựa dùng 1 lần tính bằng ngày, bằng giờ nhưng chúng lại mất rất lâu để phân hủy và chi phí xử lý chúng còn lớn hơn rất nhiều so với chi phí làm ra các sản phẩm này.
“Tôi tin rằng, mỗi hành động đều có giá trị, mỗi sáng kiến đều góp phần cho bảo vệ môi trường xanh, chúng ta hãy chia sẻ tầm nhìn và sự hiểu biết của chúng ta như một sứ mệnh của mình”, Đại sứ Elsbeth Akkerman nhấn mạnh.
Điển hình với sáng kiến môi trường toàn diện “Sứ mệnh xanh”, bắt đầu từ mục tiêu giảm tác động môi trường và xây dựng cộng đồng xanh, kết nối trực tiếp với các tiêu chí quản lý và phát triển chiến lược Môi trường, Xã hội và Quản trị, đại diện khách sạn Fortuna chia sẻ, thông qua việc thực hiện các biện pháp giảm chất thải nhựa đã giảm được 238.860 chai mỗi năm, 73.000 ống hút nhựa và giảm 36.648 kg túi nhựa mỗi năm.