Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống: Cần tăng cường vai trò của chính quyền địa phương

Phạm Sỹ (thực hiện) 13/10/2023 16:00

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT), cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có sự can thiệp đối với các trường hợp tảo hôn trên địa bàn và quan tâm đúng mức đến vấn đề này… Đó là góp ý của Luật sư Lê Hồng - Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) khi trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

Luật sư Lê Hồng - Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
Luật sư Lê Hồng - Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội).

PV: Thưa Luật sư, những năm qua mặc dù Nhà nước đã rất quan tâm đến vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở các vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ, sâu rộng. Tuy nhiên tình trạng TH&HNCH vẫn ở mức cao. Luật sư đánh giá như nào những quy định của pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình hiện đang được thực thi?

Luật sư Lê Hồng: Những năm qua mặc dù nhà nước đã rất quan tâm đến vấn đề TH&HNCH ở các vùng DTTS. Công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ, sâu rộng. Tuy nhiên tình trạng TH&HNCH vẫn ở mức cao. Quy định của pháp luật hiện nay về vấn đề hôn nhân và gia đình hiện đang được thực thi đã góp phần hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình; kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, trong một số quan hệ cụ thể, hệ thống quy phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình còn chưa kịp thời hoàn thiện, chưa bảo đảm tính bao quát, tính đầy đủ về cơ sở pháp lý trong giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh từ thực tiễn.

Tảo hôn được xác định trong trường hợp lấy vợ, lấy chồng khi nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Việc quy định tuổi kết hôn đã góp phần làm cho việc kết hôn và quan hệ hôn nhân được lành mạnh, góp phần thực hiện tốt chức năng xã hội của hôn nhân. Tuy nhiên, việc quy định tuổi kết hôn chênh lệch của nam và nữ cũng đặt ra vấn đề về bảo đảm bình đẳng giới, về sự đồng bộ với năng lực hành vi dân sự của người thành niên trong Bộ luật Dân sự. Thực tiễn áp dụng quy định về tuổi kết hôn cho thấy tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số. Bà con vùng đồng bào dân tộc hiểu quy định của pháp luật về tuổi kết hôn nhưng do phong tục, tập quán đã đi vào cuộc sống của người dân từ rất lâu đời, các gia đình thường dựng vợ gả chồng cho con từ rất sớm, nên mặc dù việc kết hôn không được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng hai bên gia đình vẫn tổ chức đám cưới theo phong tục, tập quán, họ hàng hai bên, cộng đồng dân cư của cả bản vẫn mặc nhiên công nhận đó là một cặp vợ chồng.

Hôn nhân cận huyết là việc kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Theo quy định tại Khoản 18, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình: “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba”. Quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời khi áp dụng tại các vùng dân tộc thiểu số cho thấy tính khả thi còn chưa cao, vẫn còn tình trạng kết hôn cận huyết; có địa phương còn xảy ra tình trạng nam nữ chỉ kết hôn với những người cùng dòng họ...

Phải chăng chưa đủ sức răn đe dẫn tới tình trạng TH&HNCH vẫn diễn ra ở các vùng DTTS, hay bắt nguồn từ nguyên nhân nào khác, thưa luật sư?

Theo quy định của pháp luật hiện nay, các hành vi vi phạm về TH&HNCH có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, nhiều hủ tục và vấn nạn đã được giảm thiểu, các quy định hiện nay cũng đã có sức răn đe. Tuy nhiên, tình trạng TH&HNCH vẫn diễn ra ở các vùng DTTS, vùng núi bởi một vài nguyên nhân sau: Tại những vùng này, trình độ dân trí còn thấp, người dân chưa hiểu rõ được hậu quả nặng nề mà hôn nhân cận huyết đem lại tới sức khỏe và xã hội; Hủ tục xuất phát và ảnh hưởng bởi tập tục văn hoá của vùng dân tộc thiểu số và khu vực miền núi còn lạc hậu, chưa phát triển; Người dân khu vực dân tộc thiểu số và vùng núi thường có xu hướng lựa chọn kết hôn với người trong gia đình hoặc gia tộc do hạn chế về mặt giao thông, gây khó khăn trong việc gặp, giao lưu giữa các vùng; Công tác tuyên truyền và vận động người dân về hủ tục hôn nhân cận huyết chưa thực sự hiệu quả; Sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn còn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết. Một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này, nên thiếu sự chỉ đạo cụ thể.

Có ý kiến cho rằng, một số nơi, chính quyền cơ sở vẫn còn lúng túng trong vấn đề xử lý vi phạm về tảo hôn. Nguyên nhân vì sao, thưa Luật sư?

Nguyên nhân của việc này có thể do các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Dù mức xử phạt thấp, nhưng những trường hợp vi phạm hầu hết là hộ nghèo nên dù có phạt vẫn không thu được tiền. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở (cấp xã) vẫn còn lúng túng trong vấn đề xử lý vi phạm về tảo hôn: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương còn hạn chế do nhiều yếu tố: rào cản về ngôn ngữ như nhiều người dân không biết nói tiếng phổ thông (tiếng Kinh), trình độ dân trí thấp (mù chữ, học vấn thấp).

Tình hình tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở địa phương cũng còn nhiều bất cập, chủ yếu là báo cáo những cặp đã bị xử lý, nên việc thống kê số liệu hàng năm gặp nhiều khó khăn và không chính xác. Một số nơi vì liên quan đến việc công nhận làng văn hóa, chi đảng bộ trong sạch vững mạnh nên không báo cáo đầy đủ số liệu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống dẫn đến hiệu quả không cao. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của một số tỉnh còn nhiều yếu kém, dân số ít và sống phân tán nên khó có thể xử lý kịp thời các vi phạm về tảo hôn tại các vùng dân tộc thiểu số và vùng núi.

Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Theo Luật sư, để giảm tối đa tình trạng TH&HNCH ở vùng DTTS, bên cạnh triển khai công tác tuyên truyền thì việc thực thi pháp luật cần phải triển khai như nào để thực sự có hiệu quả, tránh việc lúng túng của một số địa phương khi xử lý?

Để giảm tối đa tình trạng TH&HNCH ở vùng DTTS, bên cạnh triển khai công tác tuyên truyền thì việc thực thi pháp luật cần phải nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đối với việc lãnh đạo triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng TH&HNCH; xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vẫn cần phải được đẩy mạnh, đổi mới và áp dụng nhiều phương thức để nâng cao hiệu quả. Chú trọng hình thức tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên các cấp, cán bộ xã, thôn; hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; xây dựng các phóng sự, tin, bài phản ánh về hậu quả của TH&HNCH phát trên hệ thống phát thanh truyền hình, nhất là loa truyền thanh cơ sở và hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm và lưu động đến các điểm dân cư vùng DTTS. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người DTTS, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình ngay từ trong khu dân cư.

Trong những quy định pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình cần sửa đổi gì để đây thực sự là biện pháp hữu hiệu trong công tác giảm thiểu TH&HNCH?

Cần xem xét quy định nam, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên được kết hôn để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản Luật và Điều ước quốc tế có liên quan; Đưa ra các chế tài xử phạt vi phạm nặng hơn đối với các trường hợp vi phạm quy định liên quan đến TH&HNCH; Xem xét đưa ra các quy định pháp luật riêng để áp dụng cho phù hợp với tập tục, đặc điểm văn hóa của các vùng núi và dân tộc thiểu số; Bên cạnh đó, có thể ban hành các văn bản pháp luật quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, nhà trường trong việc phối hợp để nâng cao nhận thức của các cá nhân đang trong độ tuổi vị thành niên.

Trân trọng cảm ơn Luật sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống: Cần tăng cường vai trò của chính quyền địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO