Được “trao quyền”, được tham gia vào các câu lạc bộ, diễn đàn, nhiều thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số (DTTS) đã hiểu được giá trị của bình đẳng giới, quyền được lựa chọn công việc, cuộc sống của mình. Đây cũng chính là giải pháp hiệu quả cho bài toán không kết hôn sớm ở vùng DTTS.
Tạo cơ hội để trẻ làm chủ
“Trao quyền cho em gái” được Plan International khởi xướng với mục đích tạo cơ hội giúp các em gái được trải nghiệm vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực của đời sống.
Năm 2022 hai em H.T. Hậu (dân tộc Pa Cô) và em H.T. Hằng (dân tộc Vân Kiều), học sinh trường Tiểu học & THCS A Túc, Quảng Trị là hai em gái được trao quyền đảm nhiệm vị trí của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam và Quyền Giám đốc Quốc gia của Plan International.
Chia sẻ cảm xúc khi được trao quyền đảm nhiệm vị trí Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, H.T. Hằng rất phấn khởi chia sẻ: “Ở quê em, em chỉ thấy phụ nữ đứng ở vị trí giáo viên và Phó Chủ tịch xã chứ chưa bao giờ nghĩ rằng, phụ nữ cũng có thể làm được những công việc của một đại sứ, hay quyền giám đốc của một tổ chức. Hôm nay, được “trao quyền” em cảm thấy vô cùng vinh dự và thêm phần tự tin. Em sẽ cố gắng phấn đấu hơn nữa để trở thành một người có ích, có năng lực để tự xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình, đồng thời giúp đỡ những người khác, đặc biệt là những bạn gái để các bạn hiểu rằng “trẻ em gái và trẻ em trai đều bình đẳng”.
Cùng với hoạt động “Trao quyền cho em gái” tổ chức Plan International Câu lạc bộ Trẻ em và Diễn đàn Thanh thiếu niên khác nhau do Plan International hỗ trợ đã tạo ra nhiều cơ hội để các bạn trẻ cùng học hỏi và làm việc. Các em trai, em gái đã cùng nhau hành động nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn và tuyên truyền cho bình đẳng giới.
Chang Ngọc Tiến, nam thanh niên người Dao đến từ tỉnh miền núi Lai Châu của Việt Nam, là một ví dụ tiêu biểu.
“Khoảng 5 năm trước, vấn đề kết hôn sớm ở trẻ em rất phổ biến ở bản em. Nếu một bạn gái đến 18 tuổi mà chưa kết hôn thì người trong bản sẽ nghĩ bạn đó có vấn đề” - Tiến cho biết.
Tuy nhiên từ khi tham gia vào Câu lạc bộ và Diễn đàn, nam thanh niên cảm thấy mọi người đã có sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt trong nhóm các bạn trẻ, những người cởi mở và dễ dàng chấp nhận những góc nhìn mới. Nhờ tích cực vận động đấu tranh với vấn đề này, Tiến được chọn làm trưởng ban cho Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi, em cùng các bạn thường xuyên tổ chức các sự kiện truyền thông và các buổi sinh hoạt hàng tháng để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm, lời khuyên cho nhau khi bị ép họ kết hôn. Những sự kiện này cung cấp cho mọi người thông tin về những hậu quả nghiêm trọng mà tảo hôn có thể mang lại cho toàn bộ gia đình và cộng đồng.
“Chúng em không chỉ nói lý thuyết mà đề cao việc thực hành. Có cả các cặp vợ chồng trẻ đến chia sẻ những câu chuyện riêng của các bạn. Ngoài chia sẻ về việc học tập, chúng em cùng nhau xây dựng các mô hình sinh kế như nuôi dê, trồng lúa gạo... nhằm chứng minh rằng có rất nhiều cơ hội để chúng ta phát triển thay vì kết hôn khi chưa sẵn sàng. Em hiểu những nỗ lực của mình còn rất nhỏ bé, nhưng em luôn tin sự đóng góp đó có thể tạo ra sự thay đổi” - Tiến chia sẻ.
Hãy hành động
Kết quả điều tra xã hội học mới nhất về các mục tiêu phát triển bền vững đối với trẻ em và phụ nữ ở nước ta do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, Việt Nam vẫn còn tình trạng nam, nữ tuổi vị thành niên kết hôn sớm hoặc sống chung như vợ chồng.
Thực tế đánh giá về tình trạng tảo hôn, báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai cho biết, trong những năm qua, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phụ nữ sinh con dưới 18 tuổi (đặc biệt là phụ nữ DTTS) trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp diễn và gia tăng, khó kiểm soát. Việc kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết thống không chỉ để lại hậu quả rất lớn cho trẻ em gái mà còn là nỗi lo cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, cần sớm có các giải pháp để hạn chế vấn nạn này.
Gợi mở giải pháp để hạn chế nạn kết hôn sớm và tảo hôn ở vùng DTTS, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam vừa khuyến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm chấm dứt tình trạng kết hôn sớm bằng cách trao quyền cho trẻ em gái. Giải pháp này giúp trẻ em gái nâng cao nhận thức pháp luật liên quan đến trẻ em, quyền trẻ em.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, không để tình trạng kết hôn sớm xảy ra. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới cũng cần được triển khai thường xuyên, liên tục, tập trung ở vùng nông thôn, vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Bên cạnh tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng để lại những hậu quả nặng nề. Đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.