Do làm tốt công tác tuyên truyền nên những năm gần đây, tình trạng hôn nhân cận huyết tại nhiều địa phương đã giảm đáng kể. Từ những kết quả đạt được, các giải pháp nhằm giảm thiểu tảo hôn bền vững hơn, tiến tới xóa bỏ vấn nạn này đã được đặt ra.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, năm 2019 xã Nậm Chảy, Mường Khương (Lào Cai) không có trường hợp tảo hôn.
Đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai đã giảm, nhưng việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung và tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nói riêng ra khỏi đời sống xã hội vùng dân tộc thiểu số chưa đạt được hiệu quả cao. Theo Ban Dân tộc tỉnh, thực trạng trên có nguyên nhân rất quan trọng từ sự can thiệp thiếu mạnh mẽ, thiếu kiên quyết từ phía chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở. Cùng với đó, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình chưa được tổ chức thường xuyên tại thôn, bản nên việc đưa thông tin pháp luật đến với vùng đồng bào còn hạn chế...
Vì vậy, một trong những nhiệm vụ nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hoàn toàn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn mà tỉnh Lào Cai đặt ra từ hồi đầu năm 2019 là sẽ xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên vi phạm, thiếu gương mẫu trong việc phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đảm bảo kịp thời, không né tránh, không bao che, không dung túng cho các trường hợp tảo hôn tại địa phương. Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cũng đã đưa nội dung tảo hôn, hôn nhân cận huyết vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa của các lớp trong trường THCS, THPT nhằm nâng cao nhận thức cho các em về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, giúp học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có kỹ năng ứng phó và phản đối lại các hủ tục, những tập quán còn lạc hậu tại gia đình và cộng đồng…
Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 33 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, những chuyển biến tích cực ngày càng rõ nét. Hiện trên 85% cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, đội ngũ làm công tác tuyên truyền viên ở thôn bản, các cộng tác viên, hòa giải viên đã được tập huấn, hướng dẫn về nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Bà con nhân dân, đặc biệt là các trưởng thôn, trưởng bản đã được tuyên truyền về các hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; sử dụng nhiều biện pháp ngăn chặn giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhiều gia đình đã hiểu được hệ lụy của hôn nhân cận huyết và giáo dục cho con em mình.
Tính đến cuối năm 2019, Lào Cai có 246 trường hợp tảo hôn (giảm 22,6% với năm 2018, giảm 50% so với năm 2017 và giảm 70% so với năm 2016). Trong các điểm sáng về giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết phải kể đến xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương. Năm 2019, trên địa bàn xã không có trường hợp nào tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Để có được kết quả đó, Câu lạc bộ Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của xã đã đi từng nhà, gặp từng người, nhất là những người trẻ để tuyên truyền vận động về những hệ lụy của hôn nhân cận huyết.
Trong đó, nhấn mạnh đến hậu quả của kết hôn sớm là việc mất cơ hội học tập, gia đình không hạnh phúc. Kết hôn khi cơ thể bố mẹ chưa phát triển đầy đủ, họ hàng chưa quá 3 đời dẫn đến việc sinh ra những đứa con không khỏe mạnh…Chị Lù Thị Vui, thôn Lùng Phìn A, xã Nậm Chảy, chia sẻ rằng mình nghe tuyên truyền vận động, nên đủ 18 tuổi mới lấy chồng. Lập gia đình rồi cũng áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, khi có nhà, kinh tế tạm đủ thì mới sinh con.
Người dân làng Kà Bưng (xã Canh Liên, huyện Vân Canh, Bình Định) nghe cán bộ Ban Dân tộc tỉnh tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Đưa vào hương ước làng
Bình Định hiện có gần 11.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với khoảng 40.400 người sinh sống tập trung theo cộng đồng làng ở 33 xã, thị trấn thuộc các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát. Tính từ năm 2016 đến nay, tức là khi thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 – 2020” không xảy ra hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn cũng giảm dần theo từng năm.
Đặc biệt hoạt động ký cam kết thi đua không vi phạm tảo hôn và kết hôn cận huyết thống giữa các hộ gia đình với làng, giữa các làng với nhau dưới sự chứng kiến của chính quyền. Một số nội dung có liên quan đến việc phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã được đưa vào quy ước, hương ước của làng đã mang lại hiệu quả rõ nét. Nếu trước đây, nhiều gia đình đều muốn gả con sớm để đỡ nặng gánh, thì nay đã chuyển hướng sang đầu tư cho con cái đi học. Ý thức của thanh niên cũng đã thay đổi, các bạn trẻ nếu không theo học nghề thì cũng lên thành phố lao động kiếm sống chứ không ở nhà lập gia đình khi chưa đủ 18 tuổi.
Năm 2019 có 36 cặp tảo hôn (6 cặp cả vợ, chồng chưa đến tuổi kết hôn; 30 cặp có vợ hoặc chồng chưa đến tuổi kết hôn), giảm 46,2% so với năm 2016. Tình hình học sinh bỏ học do tảo hôn từ 2016 - 2019 là 13 cặp; giảm 84% so với năm 2016, đặc biệt từ năm 2016 đến nay tỉnh không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Từ những kết quả đạt được, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu tảo hôn bền vững hơn, tiến tới xóa bỏ vấn nạn này. Trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thông qua hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; qua các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn, làng thuộc các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân và Tây Sơn.
Tỉnh cũng triển khai, nhân rộng mô hình điểm đối với địa bàn vùng dân tộc thiểu số, các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh. Một số nội dung có liên quan đến việc phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được đưa bổ sung vào quy ước, hương ước của làng.