Cộng đồng doanh nghiệp (DN) mong muốn tiếp tục được cơ quan quản lý hỗ trợ để phục hồi kinh doanh sản xuất sau dịch bệnh. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, khối DN nhỏ và vừa dễ bị ngoại cảnh tác động cần có thêm ưu đãi. Nhưng không phải vì thế mà có thể “trục lợi” chính sách.
Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp
Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 93/TTr-BTC trình Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ.
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 DN đang hoạt động. Trong cơ cấu DN của Việt Nam, nhóm DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN, trong đó, DN có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 63%; DN quy mô nhỏ chiếm hơn 30% và DN quy mô vừa chiếm gần 4%. Như vậy, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số DN tại Việt Nam và các DN này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.
Vì vậy, việc giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 10 người (thuộc nhóm DN siêu nhỏ); DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người (thuộc nhóm DN nhỏ) là cơ hội để các DN nhỏ và siêu nhỏ vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của bệnh dịch Covid-19; Góp phần hỗ trợ cho DN nhỏ, siêu nhỏ, tạo điều kiện cho các DN nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, là tiền đề giúp các DN nhỏ, siêu nhỏ phát triển, chuyển đổi thành DN có quy mô lớn hơn.
Theo tính toán, nếu giảm thuế, chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 15.840 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, số giảm thu do hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư; đồng thời, sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào giai đoạn tiếp theo do DN có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhưng mặt trái của việc giảm thuế đối với DN nhỏ, siêu nhỏ có thể sẽ gây ra tình trạng lợi dụng chính sách để tránh thuế bằng cách giữ các tiêu chí để được xác định là DN nhỏ và siêu nhỏ nhằm hưởng ưu đãi về thuế.
Cú hích cho doanh nghiệp
Năm 2020 dịch bệnh gây khó khăn cho DN nên thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng không nhỏ. Thời gian qua, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính cũng đã dành nhiều hỗ trợ, san sẻ với DN thông qua nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau. Tuy con số DN được hưởng lợi từ việc giảm thuế không phải lớn, song nó thể hiện được sự quan tâm, ưu đãi của Nhà nước, nhất là đối với khối DN nhỏ và siêu nhỏ.
Theo khẳng định của ông Tô Hoài Nam. Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, việc Chính phủ đưa ra một loạt các chính sách hỗ trợ, nhất là về thuế, phí, lệ phí có ý nghĩa rất lớn đối với việc vực dậy tình hình sản xuất kinh doanh của DN. Điều này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn đối với nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ bởi nhóm này có đặc điểm chung là dòng vốn mỏng, không tích lũy được nhiều nên khi gặp khó khăn dễ bị tác động.
Theo ông Nam, mỗi chính sách hỗ trợ sẽ đều là động lực thúc đẩy hộ kinh doanh “chuyển mình”, vượt qua những trở ngại ban đầu để “vươn mình”. Các nội dung tại Dự thảo Nghị quyết đã “chạm” đến những điều DN và hộ kinh doanh cần.
“Tôi được biết, hiện cũng có không ít chính sách để hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi như miễn lệ phí môn bài trong 3 năm đầu, miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện... Chính vì vậy, với đề xuất mới này sẽ là cú hích quan trọng thúc đẩy các hộ kinh doanh”- ông Nam nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, DN nhỏ và siêu nhỏ thường được áp dụng chính sách thuế thu nhập khá ưu đãi, góp phần khuyến khích và tạo động lực để DN tiếp tục đầu tư hơn vào sản xuất, kinh doanh. Song khi triển khai, các cơ quan quản lý cần thận trọng bởi nguy cơ sẽ không ít DN trục lợi từ chính sách này bằng cách cố tình duy trì quy mô nhỏ hay siêu nhỏ, làm trái với tình hình thực tiễn của DN.