Năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đặt mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của GDNN; tuyển sinh phấn đấu 2,5 triệu người... Liệu mục tiêu ấy có thành hiện thực?
Khởi sắc
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, trước đây, các cơ sở GDNN tuyển sinh chỉ đạt 60 - 70% kế hoạch. Nhưng giai đoạn 2017 - 2019 đều tuyển sinh vượt kế hoạch. Năm 2020, cả nước tuyển được 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch năm. Trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng đạt 580.000 người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác đạt 1,7 triệu người (đạt 101,2% kế hoạch năm).
Năm 2021, Tổng cục GDNN đặt mục tiêu tuyển sinh 2,5 triệu người. Trong đó, trình độ cao đẳng là 260.000 người; trung cấp đạt 340.000 người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 1,9 triệu người.
Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, giai đoạn 2021-2025, phát triển GDNN được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, gắn với giảm nghèo và an sinh xã hội để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2021-2030), kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2021-2025).
“Trước yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, xã hội số, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các Hiệp định thương mại thế hệ mới, dịch bệnh Covid-19 và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, Tổng cục GDNN xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển” – ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh phân luồng hơn nữa
Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh (HS) trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” xác định mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương cho thấy tỷ lệ này chưa đảm bảo.
Đơn cử như tại Thanh Hóa, chỉ tiêu phân luồng HS tốt nghiệp THCS vào các trường THPT ở các huyện trên địa bàn tỉnh cơ bản đều vượt quá 70%. Tại huyện Nga Sơn, năm học 2020-2021 tỷ lệ phân bổ vào các trường THPT trên địa bàn huyện chiếm 84%, chỉ còn lại 16%.
Số này được mặc định là phân luồng vào các cơ sở GDNN. Tuy nhiên, với tỷ lệ ít ỏi này, trong đó chưa tính đến số HS không đủ điều kiện xét tốt nghiệp THCS, số HS yếu kém, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt... thì tỷ lệ được phân luồng vào các cơ sở GDNN sẽ còn lại bao nhiêu?
Tại các thành phố lớn, mặc dù chỉ tiêu của các trường THPT công lập dưới 70% nhưng hệ thống trường quốc tế, trường dân lập… rất đa dạng nên tỷ lệ HS theo học GDNN vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Vì vậy, trong thời gian tới, mục tiêu đẩy mạnh phân luồng HS vẫn được đặt ra. Trong đó, theo các chuyên gia, điều quan trọng là thay đổi nhận thức của người học, phụ huynh và xã hội về GDNN.
Hiệu trưởng Trường CĐ nghề công nghệ Việt - Hàn (Bắc Giang) Nguyễn Công Thông đề xuất xây dựng không gian truyền thông trên 3 mặt trận: Truyền thông nội bộ, truyền thông đối tượng và truyền thông đối tác. Trong đó truyền thông nội bộ để mỗi người lao động ý thức được giá trị của mình, tâm huyết, tự hào với sản phẩm do bàn tay, khối óc mình làm ra. Từ sự tự hào đó, lan tỏa giá trị GDNN đến với những người khác.
Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông đến các đối tượng như phụ huynh, HS, các đối tác như doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các đơn vị đón nhận, sử dụng sinh viên của GDNN. Chất lượng sinh viên GDNN tốt thì thể hiện chất lượng cơ sở GDNN tốt và doanh nghiệp sẽ tìm đến nhà trường để đặt hàng đào tạo…
TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh đề xuất ngoài các chương trình truyền thông vĩ mô để đông đảo mọi người biết đến GDNN cần nghiên cứu xây dựng chương trình thực tế về GDNN. Tham khảo cách làm từ các chương trình thực tế như SV 96, Đường lên đỉnh Olympia để xây dựng chương trình, tạo ấn tượng với người học với xã hội cũng như tạo được sự lan tỏa của GDNN. Trên cơ sở đó, các cơ sở GDNN sẽ truyền thông nội bộ hiệu quả hơn.