Giáo dục Phật học tạo động lực cho sự phát triển

Vân Uyên 20/09/2019 07:00

Đó là khẳng định của Thượng tọa Thích Thanh Quyết về công tác đào tạo tăng tài. Theo Thượng tọa, con người là căn bản, là gốc của mọi sự phát triển. Giáo dục là mạng mạch của Phật pháp. Từ đó, mới gìn giữ đề cao giá trị nhân bản về đạo đức con người, góp phần xây dựng đất nước ổn định, phồn vinh, hạnh phúc.

Giáo dục Phật học tạo động lực cho sự phát triển

Thượng tọa Thích Thanh Quyết trao bằng cho tăng ni tốt nghiệp cử nhân Phật học.

Theo Thượng toạ Thích Thanh Quyết, ĐBQH, Phó Chủ tịch HĐTS Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam -Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, qua gần 40 năm phát triển và trưởng thành, GHPG Việt Nam đã có những bước tiến không ngừng về mọi mặt, trong đó công tác giáo dục đã có những thành tựu đáng kể, trường lớp đào tạo Phật học phát triển, tạo thành một hệ thống các cấp học khá hoàn thiện, đào tạo nhiều thế hệ tăng ni có trình độ Phật học và thế học, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển GHPG Việt Nam, xây dựng đất nước vững mạnh.

Với cương vị là Viện trưởng Học viện Phật giáo (HVPG) Việt Nam tại Hà Nội, Thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ: HVPG ra đời cùng với sự ra đời của GHPG Việt Nam năm 1981. Trong quá trình đó thuận lợi là được Nhà nước, Giáo hội quan tâm nhưng kinh phí hoạt động chủ yếu là xã hội hóa, cơ sở vật chất ban đầu nhờ vào chùa Quán Sứ. Theo đó, năm 2004, được sự quan tâm của Nhà nước, Học viện được xây dựng trụ sở mới với diện tích 11ha tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn để đào tạo tăng ni. Công tác xây dựng đã khó, việc đào tạo một đội ngũ chức sắc Phật giáo lại càng khó hơn. Đó là hệ thống giáo án, giáo trình, đội ngũ giảng sư tại thời điểm đó là cực khó khăn.

Ngoài HVPG Việt Nam tại Hà Nội đã nói trên thì HVPG Việt Nam tại Huế, HVPG Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và HVPG Việt Nam tại Cần Thơ đều đã được sự quan tâm của Nhà nước, được cấp đất để xây dựng Học viện. Các tăng, ni, Phật tử tham gia vận động công đức xã hội hóa nên các Học viện đều được xây dựng khang trang, đội ngũ giảng sư có trình độ uyên bác được đào tạo từ trong nước và nước ngoài. Các Học viện này cũng đã đào tạo ra trường hàng ngàn tăng ni, đóng góp to lớn vào sự phát triển của Giáo hội và xã hội.

Riêng, HVPG Việt Nam tại Hà Nội, năm 2017 Chính phủ đã cho phép đào tạo sau đại học hệ Thạc sỹ và Tiến sỹ. Hệ thống giảng sư đã được đào tạo bài bản, có hàng trăm vị chức sắc Phật giáo đã có trình độ Tiến sỹ nhiều năm. Có kinh nghiệm đào tạo đại học Phật giáo, cơ bản du học nước ngoài. HVPG lấy những kinh nghiệm từ bản thân và từ các giáo sư của các trường đại học lớn trong nước: ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm, Viện Văn, Viện Sử, Viện Triết, Viện Hán Nôm, Viện Tôn giáo… kết hợp để cùng đào tạo. HVPG Việt Nam tại Hà Nội sẽ đảm trách một cách vững chắc về đào tạo trình độ Thạc sỹ và Tiến sỹ Phật học, sau đại học.

Thượng toạ Thích Thanh Quyết nhấn mạnh, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ các cấp cũng như của Trung ương GHPG Việt Nam, những năm qua, HVPGVN tại Hà Nội đào tạo trên 1.500 cử nhân Phật học, 400 tăng ni có trình độ cao đẳng, đang đào tạo tiếp 500 cử nhân Phật học và 80 thạc sỹ, 20 tiến sỹ. Phần lớn nguồn kinh phí để đáp ứng công tác giảng dạy, sinh hoạt tu học nội trú cho tăng ni sinh chủ yếu là xã hội hóa. Giáo dục Phật giáo không những chỉ đào tạo các vị có bản lĩnh công dân mẫu mực mà còn đào tạo ra những vị chức sắc với tư tưởng Phật học uyên bác, đạo đức nhân văn cao thượng, đặc biệt biểu tượng cho đoàn kết dân tộc.

Giáo dục Phật học tạo động lực cho sự phát triển - 1

Tăng ni theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Đánh giá về chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo Phật học hiện nay, theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, hiện, cả nước có gần 40 trường Trung cấp, 4 HVPG lớn, các trường cao đẳng, sơ cấp Phật giáo thì có gần 100 trường. Chúng tôi rất yên tâm về định hướng đào tạo của các cơ sở giáo dục đều thống nhất về quan điểm, đó là Đạo pháp và Dân tộc, những tư tưởng của Phật giáo đều hướng đến con người đến nhân sinh, cũng như quan điểm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam hướng đến xây dựng cho cuộc sống hạnh phúc, ấm no, cho đoàn kết dân tộc.

Với hệ đại học, mỗi một nơi có một thế mạnh riêng những đều đào tạo các trí thức phật giáo có đầy đủ tri thức, kiến thức Phật học và kiến thức xã hội học, phục vụ chúng sinh là phục vụ nhân dân là cúng dàng Đức Phật. Đạo pháp gắn bó với dân tộc. Đặc biệt, với sự phát triển và hội nhập như hiện nay của đất nước, vai trò của giáo dục Phật giáo rất quan trọng, khi mà giá trị đạo đức có biểu hiện xuống cấp ở một bộ phận nhân dân, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng, giáo dục Phật giáo không chỉ là mạng mạch của Phật pháp, mà còn tạo ra nguồn lực để phát triển xã hội. Chúng ta thấy rằng, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, chắc chắn các quan niệm về đạo đức về trung hiếu sẽ thay đổi nhất là trong một bộ phận giới trẻ.

Chính vì vậy, theo Thượng toạ Thích Thanh Quyết, giáo dục Phật giáo ngoài đào tạo kiến thức Phật học, xã hội học, phải luôn đề cao giáo dục đạo đức, vì nó là căn bản nhất của con người, là cốt tủy của sự sống, là cái mà xã hội cho dù đổi thay thế nào đi nữa thì nó sẽ là cái đứng vững làm điểm tựa tạo sự thăng bằng cho sự phát triển xã hội. Và, chính các vị chức sắc Phật giáo được đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục Phật giáo, họ sẽ hoằng pháp, chuyển tải những giá trị đạo đức nhân bản tốt đẹp của Phật giáo, của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm nay mà cha ông ta đã tạo lập đến với bà con Phật tử và con cháu đời sau.

Là thành viên tích cực của Mặt trận, Phật giáo đã và đang góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng con người mới, xây dựng phong trào đoàn kết toàn dân do MTTQ Việt Nam phát động. Phật giáo cùng với MTTQ các cấp góp phần xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, dẹp bỏ mê tín, dị đoan…

Và với tư tưởng Phật hoàng Trần Nhân Tông là then chốt, Thượng toạ Thích Thanh Quyết khẳng định: Từ xưa đến nay, Phật giáo Việt Nam luôn đi theo tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm, do Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Hơn 700 năm nay, tư tưởng Phật hoàng là kim chỉ nam cho Phật giáo Việt Nam, là tư tưởng Đạo gắn liền với Đời. Đạo vì đời, Đạo từ đời mà ra, sau khi tu hành đắc đạo phải hòa nhập vào đời để cứu đời. Đạo giúp cho đời, giúp cho con người Việt Nam sống hướng thiện và hướng thượng, sống vị tha, sống để cống hiến cho Đạo và Đời, xây dựng xã hội phát triển thịnh vượng.

Theo đó, các cơ sở giáo dục Phật giáo Việt Nam xưa nay đều khai thác giá trị sâu sắc của hệ tư tưởng Thiền phái. Đây là một triết học hiếm có trên thế giới. Mặc dù, Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ, rồi lan tỏa khắp thế giới. Nhưng, chỉ ở Việt Nam, mới có một vị Vua hóa Phật, mà sau khi Ngài mất đã để lại hệ tư tưởng lớn gắn liền với sự phát triển của dân tộc và con người Việt Nam. Cho nên mỗi một vị tăng ni qua quá trình đào tạo phải thấm nhuần và xem tư tưởng đó là then chốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục Phật học tạo động lực cho sự phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO