Giáo dục sớm cho trẻ dưới 3 tuổi: Chậm 2 ngày cũng là lãng phí

Huyền Trang (thực hiện) 26/12/2015 15:05

Nhiều điều tra nghiên cứu của thế giới cho rằng: Nếu trẻ em ở lứa tuổi sơ sinh, chỉ chậm giáo dục chăm sóc 2 ngày thôi, đã là sự lãng phí rất ghê gớm. Nếu chúng ta chậm giáo dục đến 3 năm, thì lại càng lãng phí. Bởi đầu tư cho trẻ nhỏ thì kinh phí nguồn lực sẽ tiết kiệm, mà hiệu quả cao. Đầu tư càng muộn thì hiệu quả càng hạn chế, và sẽ tốn kém hơn rất nhiều. 

Ông Nguyễn Võ Kỳ Anh.

Đó cũng là quan điểm của PGS. TS. NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam.

PV:Là nhà nghiên cứu về giáo dục sớm cho trẻ dưới 3 tuổi, ông có thể chia sẻ về tình hình giáo dục sớm tại Việt Nam?

PGS. TS. NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Giáo dục sớm cho trẻ em dưới 3 tuổi đã được Bộ VHTT&DL đánh giá có chất lượng. Liên hiệp hội Phụ nữ cũng đã tích cực kết hợp thực hiện mô hình ngay từ đầu. Chúng tôi cũng hi vọng, tới đây sẽ lồng ghép được vào các đề án, để triển khai mô hình trên toàn quốc, mang tính bền vững hơn. Hiện nay, Bộ GD&ĐT trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục quốc dân cũng đã từng bước quan tâm đến giáo dục trẻ em dưới 3 tuổi. Cụ thể một số nơi như TP.HCM hay Hà Nội cũng bắt đầu quan tâm tổ chức các hệ thống nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân để chăm sóc lứa tuổi này.

Giáo dục sớm trên thế giới đã được áp dụng từ lâu, nhưng ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây mới được triển khai, ông có kiến nghị gì để đi sau nhưng vẫn có thể đuổi kịp, cho trẻ em có được môi trường giáo dục tốt?

- Chúng ta thuận lợi nhất là tiếp cận được với phương pháp cũng như nội dung giáo dục sớm mà thế giới đã triển khai từ rất nhiều chương trình. Tuy nhiên, Viện chúng tôi không chủ trương tiếp cận chỉ một phương pháp giáo dục sớm của Mỹ hay Nhật, Ý… mà tổng hợp trên tất cả ưu việt của các chương trình đó, tạo ra chương trình phù hợp với trẻ em Việt Nam và cha mẹ trẻ em Việt Nam.

Hiện nay trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tình trạng gửi trẻ còn gặp rất nhiều khó khăn, theo ông chúng ta còn gặp phải những vướng mắc gì?

Các khu công nghiệp, chế xuất, khi xây dựng thường không quy hoạch xây dựng cơ sở dịch vụ cho trẻ em. Đặc biệt không quy hoạch nhà trẻ, thậm chí nếu có chỉ ưu tiên mẫu giáo thôi. Thứ hai nữa, quá trình di cư của người lao động từ các nơi ồ ạt vào khu này qua lớn cho nên đáp ứng nhu cầu rất khó khăn. Kèm theo đó đội ngũ lực lượng có chuyên môn, những giáo viên phục vụ cũng hạn chế. Trẻ hầu hết được gửi vào các nhóm trẻ gia đình, những người không có kiến thức, chuyên môn, không có cả tình yêu, chỉ có tiền. Vì vậy họ đối xử với trẻ không được tôn trọng, chăm sóc không chu đáo gây thiệt thòi rất lớn cho trẻ.

Cá nhân ông có đề xuất gì để giải quyết bất cập này không?

- Tôi cho rằng, việc quan trọng nhất khi triển khai bất cứ xí nghiệp, nhà máy nào, khu công nghiệp nào cũng phải dành quỹ đất để phát triển hệ thống nhà trẻ mẫu giáo. Thứ hai, cơ quan địa phương phải chuẩn bị lực lượng thầy cô giáo có thể giúp cho các cháu được vào các cơ sở đó, khi đó sẽ hạn chế được rất nhiều những tiêu cực. Tôi rất tiếc là trẻ em, con những người lao động, con họ có cả 8 trí tuệ thông minh (thông minh ngôn ngữ, toán học, logic, vận động, âm nhạc, tương tác, thông minh về tự nhiên xã hội như yêu thiên nhiên…), nhưng lại không có điều kiện để phát triển. Trẻ em sinh ra, con người nghèo cũng như người giàu đều có sẵn sàng các loại hình thông minh đó. Có đứa phát triển loại hình này có đứa phát triển loại hình khác nổi trội hơn.

Với đa số các gia đình hiện đại, họ dành rất ít thời gian cho con, nhưng lại không yên tâm khi gửi con ở nhà trẻ (nhất là khi các vụ bạo hành liên tiếp xảy ra). Với trẻ dưới 18 tháng lại càng lo lắng… Việc này có khiến cho giáo dục sớm khó khăn hơn không?

- Tôi cho rằng phải chuyển đổi từ chính sách của Nhà nước. Nhà nước cần quan tâm đến đối tượng này để tổ chức các dịch vụ tốt hơn. Dịch vụ không chỉ là cơ sở vật chất, mà phải làm tốt được chất lượng của những người làm giáo dục trẻ, chăm sóc trẻ, kể cả gia đình thì mới có thể thay đổi được.

Hiện nay, trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi hầu như không có chỗ nào nhận. Bởi chăm sóc trẻ nhỏ khó hơn rất nhiều với trẻ em mẫu giáo. Kĩ năng chăm sóc và thái độ chăm sóc đòi hỏi khó hơn, nên hầu hết các cơ sở giáo dục rất ngại để phát triển. Thêm vào đó, các trường đào tạo giáo viên mầm non, cũng không còn đào tạo riêng...

Phải coi giáo dục cho trẻ em nhỏ nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, ở trẻ em dưới 3 tuổi, chứ đừng coi là chỉ một phần đưa vào giáo dục quốc dân thôi còn lại là gia đình tự lo. Cái đó không bình đẳng, rất thiệt thòi cho trẻ em.

Người ta nói rằng, nếu như trẻ em ở lứa tuổi sơ sinh mà để chậm giáo dục chăm sóc chỉ 2 ngày thôi, đã là sự lãng phí rất ghê sớm rồi. Nếu chúng ta để chậm đến 3 năm, hay nói chung là 1.000 ngày đầu đời, thì sự lãng phí này còn quá là đáng tiếc. Bởi vì càng đầu tư cho trẻ nhỏ thì đầu tư với kinh phí nguồn lực tiết kiệm nhưng hiệu quả cao.

Vậy theo ông, để có thể thực hiện được mục tiêu giáo dục sớm cho trẻ trên phạm vi toàn quốc, điều cần thiết nhất là gì?

- Khi mà chương trình giáo dục sớm đưa xuống cộng đồng, rất được cộng đồng hưởng ứng. Thậm chí người ta thích thú, tiếc nuối vì học muộn. Nhưng cái khó nhất là làm sao để cho các cơ quan quản lý nhận thức được sự cần thiết phải giáo dục sớm cho trẻ, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi. Giai đoạn này, đứng về mặt cơ sở khoa học, y học, tâm lý học, giáo dục học đều hết sức quan trọng. Đây mới thực sự là đáy dưới của hình tam giác của sự phát triển. Còn nếu như chúng ta quan niệm trẻ nhỏ lại là đỉnh, và cái đáy lại là ở tiểu học thì là sai lầm.
Việc giáo dục sớm cho trẻ em, để trẻ em phát huy được 8 tố chất tiềm năng hiện nay chưa được tốt, cần có chương trình đi vào được các bậc cha mẹ, ông bà để họ trực tiếp chăm sóc trẻ. Đồng thời phải có những chương trình giúp trẻ phát triển về cơ thể, tinh thần, tính cách…
Các ngành quan tâm đến trẻ phải ngồi lại với nhau để có chiến lược chung cho trẻ. Vì hiện nay vẫn ngành nào lo ngành ấy, chưa có một thống nhất cho chương trình quốc gia về trẻ em. Bản thân tôi rất muốn làm sao có được một chương trình quốc gia về trẻ em. Như thế, mới có thể hi vọng chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng bảo vệ trẻ em tốt.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục sớm cho trẻ dưới 3 tuổi: Chậm 2 ngày cũng là lãng phí