Nhật Bản muốn thế hệ tiếp theo của đất nước thông thạo tiếng Anh. Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa và mất cân bằng về kinh tế đang cản trở nỗ lực đó.
Làn sóng các trường song ngữ
Đầu tháng này, Bộ Giáo dục Nhật Bản đánh giá thông qua kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, trình độ tiếng Anh của sinh viên Nhật Bản đang được cải thiện. Tỷ lệ học sinh THCS và THPT năm thứ ba đạt lớp 3 và lớp Pre-2 trở lên trong bài kiểm tra trình độ Eiken đều tăng vượt mốc 50%. Chính phủ muốn con số đó vượt qua 60% vào năm 2027.
Giáo dục tiếng Anh ở Nhật Bản không có danh tiếng xuất sắc. Nước này hiện đứng thứ 87/113 quốc gia không nói tiếng Anh, sau Malaysia, Hàn Quốc, Nepal, Mông Cổ, Indonesia và Trung Quốc. Khả năng thông thạo ngoại ngữ nói chung còn yếu một cách phổ biến: Chỉ 13% người Nhật nói được nhiều ngôn ngữ, so với 40% người Thái và Pháp, 57% người Australia và hơn 75% người dân từ các quốc gia như Thụy Sĩ, Ireland, Slovenia và Thụy Điển.
Mặc dù vậy, giáo dục song ngữ đang bùng nổ ở Nhật. Một loạt trường học cam kết đào tạo trẻ em trở thành công dân quốc tế, thông thạo cả tiếng Nhật và tiếng Anh, đang mở chi nhánh mới trên khắp đất nước. Nhà phê bình giáo dục Manabu Murata ước tính, có khoảng 200 trường học tiếng Anh mới đã mở trong 5 năm qua, nâng riêng số trường mầm non tiếng Anh lên hơn 800.
Với nhu cầu ngày càng tăng của các bậc phụ huynh, các lựa chọn về trường song ngữ ngày càng phổ biến hơn bao giờ hết. Nhưng một hệ thống giáo dục không linh hoạt cùng sự phân chia kinh tế và văn hóa ngày càng gia tăng đang đe dọa khả năng tiếp cận những kỹ năng này, những kỹ năng có tiềm năng biến đổi xã hội Nhật Bản trong những thập kỷ tới. Nghiên cứu cho thấy, khả năng song ngữ giúp tăng thành tích trong lớp, mức độ phát triển nhận thức cao hơn, tăng lòng tự trọng và tăng cơ hội việc làm.
Tại Nhật Bản, hơn 50% các công ty đã đề cập đến điểm số của ứng viên trong Bài kiểm tra giao tiếp tiếng Anh quốc tế hay còn gọi là Toeic, trong đó, các công ty cũng sử dụng kỹ năng tiếng Anh làm cơ sở cho cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.
Nhiều rào cản
Năm 2017, Chính phủ Nhật Bản cập nhật các hướng dẫn giáo dục tiếng Anh để nhấn mạnh vào giao tiếp hơn là ngữ pháp và ghi nhớ, nhưng ông Inoue cho rằng, giáo viên tại các trường công lập trên toàn quốc vẫn chưa thể thực hiện những thay đổi này bởi họ đang có quá nhiều việc phải làm và không có thời gian để nghĩ về những hướng dẫn bổ sung.
Ông Steve McCarty - người nghiên cứu song ngữ và giáo dục ngôn ngữ tại Đại học Osaka Jogakuin cho biết: Sự nhạy cảm về quyền riêng tư ở Nhật Bản, sự nghiêm túc trong các mối quan hệ giữa con người với con người và đặc quyền giao tiếp mặt đối mặt mang tính nghi thức đã hạn chế việc giao tiếp tự do bằng tiếng nước ngoài.
Bên cạnh đó, người nhập cư gia tăng, mang các nền văn hóa và ngôn ngữ nước ngoài đến một quốc gia đang phải đối mặt với sự suy giảm dân số, cũng gây thêm áp lực lên trình độ song ngữ đang tụt hậu của Nhật Bản. Số lượng người nước ngoài sống ở Nhật Bản đạt 3,4 triệu dân vào năm 2023, chiếm hơn 2,5% dân số, so với chỉ 1,6% vào năm 2013.
Tính đến năm 2024, khoảng 4 loại hình giáo dục song ngữ ở Nhật Bản đã xuất hiện: các trường quốc tế danh tiếng lâu đời; các trường học Nhật Bản mới nhấn mạnh đến song ngữ trong bối cảnh Nhật Bản; các trường song ngữ đại diện cho một dân tộc cụ thể như trường Pháp, Trung Quốc hay Hàn Quốc; và các trường học đa văn hóa và đa ngôn ngữ sáng tạo. Tuy nhiên, học phí cao hạn chế những ngôi trường thuộc các loại hình này tiếp cận học sinh Nhật Bản. Tính đến năm 2021, có 43 trường học như vậy ở Tokyo.
Các phương pháp tiếp cận sâu sắc, linh hoạt hơn đều đạt được hiệu quả nhất định, nhưng sự phổ biến của nền giáo dục song ngữ đa dạng vẫn chưa tạo được làn sóng trong công chúng Nhật Bản. Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là bởi giáo dục công còn tụt hậu. Ông Inoue nhấn mạnh: “Phương pháp giảng dạy (tiếng Anh) đang dần thay đổi nhưng bản thân giáo viên vẫn chưa quen với các phương pháp mới”.
Năm 2019, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã triển khai hệ thống trợ cấp chăm sóc trẻ em cho giáo dục mầm non với mức trợ cấp lên tới khoảng 40.000 yên mỗi tháng, có thể được sử dụng cho các trường song ngữ tư nhân. Các tỉnh và địa phương cũng đang mở rộng trợ cấp, chẳng hạn như Yokohama cung cấp giáo dục mầm non miễn phí cho một số cư dân đủ điều kiện. Tuy nhiên, ngay cả việc cải thiện khả năng tiếp cận cũng không có nghĩa là học sinh sẽ có động lực nói và học nhiều ngôn ngữ.
Theo ông Inoue, một thay đổi tiềm năng để cải thiện khả năng song ngữ ở Nhật Bản là vấn đề chính sách. Chính phủ nên đặt ra tiêu chuẩn đào tạo và cấp giấy phép cho giáo viên dạy tiếng Nhật cũng như thành lập các lớp học ở các trường công lập.
Ông McCarty từ Đại học Osaka Jogakuin cho rằng, Nhật Bản sẽ trở nên toàn cầu hóa, đa ngôn ngữ và đa văn hóa hơn, cho dù các cá nhân có thấy song ngữ cần thiết hay không. Đó là một sự lựa chọn, nhưng việc trở thành một công dân toàn cầu, đa ngôn ngữ và đa văn hóa ở một mức độ nào đó sẽ mang lại nhiều lựa chọn hơn.