Để tìm ra những nguyên nhân, giải pháp nhằm hạn chế, loại bỏ bạo lực học đường (BLHĐ), ngày 24/12, cuộc giao lưu trực tuyến chủ đề “Phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội giáo dục toàn diện học sinh” đã diễn ra tại Hà Nội (do Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức). Tại đây các nhà giáo dục và các chuyên gia tâm lý đã chia sẻ về thực trạng cũng như những suy nghĩ, quan điểm, kinh nghiệm phòng chống BLHĐ.
Cần tổ chức nhiều hình thức giúp học sinh nhận biết về hậu quả của bạo lực học đường.
Sợi dây liên kết còn lỏng lẻo
Theo phân tích từ các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLHĐ hiện nay như: Do sự chuyển biến về tâm lý của bản thân học sinh (HS) đối tượng từ 12-17 tuổi khi giai đoạn này hình thành nhân cách ở con người, cùng đó là tâm lý không ổn định và với một cái tôi cá nhân quá cao. Trong giai đoạn này chỉ cần những tác động kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo, dẫn đến nhiều vụ đánh nhau tại trường học hay cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. BLHĐ cũng có một phần nguyên nhân do giáo dục của nhà trường những năm qua còn nặng về kiến thức văn hóa, nhẹ về nhiệm vụ giáo dục con người. Vẫn còn số ít thầy cô giáo sống thực dụng chạy theo đồng tiền… nên đã bị đẩy ngã những giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức nhà giáo. BLHĐ cũng đến từ phía gia đình khi sự ảnh hưởng của gia đình đối với mỗi cá nhân là vô cùng lớn. Khi cha mẹ có sự giáo dục chưa đúng đắn, thường nặng lời quát tháo con cái cũng dễ dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Đặc biệt không ít trường hợp, cha mẹ thiếu quan tâm tới con cái hoặc bị stress và xả stress bằng bạo hành gia đình lên chính con cái của mình... Chính những hành động này của bố mẹ ảnh hưởng sâu sắc theo chiều hướng xấu đến con trẻ sau này.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường hiện nay không thể không kể đến đó là từ phía xã hội khi HS bị ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bao lực như phim ảnh, sách báo, game bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực (kiếm, súng..).
Thực tế cho thấy những năm gần đây, BLHÐ có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi HS cuối cấp THCS và THPT. Đặc biệt, đáng nói khi xảy ra BLHĐ, dư luận xã hội thường hay quy trách nhiệm cho nhà trường và ngành giáo dục. Trong khi đó vai trò của gia đình và xã hội quan trọng không kém lại không được đề cập thỏa đáng.
Trước những băn khoăn đặt ra trong giao lưu rằng, từ thực trạng BLHĐ đang diễn ra phức tạp như hiện nay cần phải xem lại sợi dây kết nối gia đình, nhà trường và xã hội xem có còn bền chặt không? PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh phân tích: Mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội từ trước tới nay chưa bền chặt như ta mong muốn. Nhà trường chưa thật sự coi phụ huynh HS là đối tượng giáo dục trực tiếp với HS vì thế chưa có sự cộng tác, kết hợp trên mọi lĩnh vực mà nhà trường cần rèn luyện cho học sinh. Về phía gia đình chỉ “khoán” cho nhà trường phải chịu trách nhiệm đào tạo con em của mình mà không chủ động liên kết, trao đổi, chia sẻ trong việc giáo dục trẻ với nhà trường, thầy cô. Thậm chí khi con bị lỗi ở nhà hay ở trường đều “đổ” cho nhà trường giáo dục chưa tới nơi tới chốn. Xã hội còn lúng tùng về phối hợp với nhà trường và gia đình để có những giải pháp giáo dục xử lý phù hợp.
Người lớn phải làm gương
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cũng khẳng định, một trong những nguyên nhân dẫn đến BLHĐ là sự thiếu gương mẫu của cha mẹ và những người sống trong cùng gia đình. Từ sự ảnh hưởng của hoàn cảnh môi trường sống trong gia đình thì trẻ cũng dùng chính những hành động không chuẩn mực đó để đối xử với người thân, gia đình, bạn bè, thầy cô. Vì gia đình là trường học đầu tiên của mỗi con người cho nên ở trường học đó mà môi trường không tốt thì không thể hy vọng tạo nên những “con ngoan trò giỏi”.
Nhìn ở một góc độ khác, nhiều người quan tâm tới BLHĐ đến từ phía thầy cô giáo. Bởi BLHĐ giờ đây không chỉ dừng lại ở HS (HS) với HS mà còn cả giáo viên (GV) với HS. Phải chăng áp lực nghề nghiệp đang tăng, nên số vụ BLHĐ giữa GV và HS cũng tăng lên? Theo TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh: Giáo dục là không hình phạt. Quan niệm “thương cho roi cho vọt” không phù hợp trong giai đoạn hiện nay nữa. Vì HS cũng là một công dân, có quyền bình đẳng trước pháp luật, được bảo vệ khỏi bị bạo lực bởi bất cứ công dân nào khác. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta buông lỏng, phó mặc HS mà cần có những quy định để HS tuân thủ pháp luật cũng như các nội quy trường học. Mọi hình thức kỷ luật (nếu có) cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng và vì sự tiến bộ của HS. Không được làm tổn hại đến danh dự, tinh thần và sức khỏe của HS. Khuyến khích những kỷ luật tích cực để HS tự nhận thức ra những khuyết điểm, sai lầm của mình, tự tìm giải pháp khắc phục hậu quả.
Còn PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh chia sẻ, không nên nói rằng đạo đức nhà giáo đang sa sút mà đó là những hành vi nhất thời trước một bức xúc mà thầy cô không thể kiềm chế được cảm xúc của mình (trong đó cơ bản là cảm xúc lo lắng cho HS lo lắng cho thành quả mà mình mong muốn, lo lắng cho thành tích của nhà trường). Vì vậy họ phản ứng với HS với động cơ muốn cho các em học tập, rèn luyện tốt hơn. Những hành vi dùng bạo lực để giáo dục HS - thể hiện hành vi sai lệch, bất lực và vi phạm đến quyền của trẻ (luật trẻ em 2016 và luật Giáo dục) đã quy định.
Ngoài bạo lực với HS lớn thì cũng có một số giáo viên mầm non gây bạo lực cho HS còn nhỏ tuổi (đánh trẻ khi không chịu ăn, không chịu tắm, khi khóc...). Có thể nói đây là một dạng stress của thầy cô bị đẩy lên ngưỡng cực điểm dẫn tới bạo lực. Đây là một hành vi cần được giáo dục và khi vi phạm đến một mức độ không thể chấp nhận được thì cần kiên quyết xử lý, kỷ luật phù hợp để răn đe với những giáo viên khác.