Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.
Trong đó, ở môi trường giáo dục, việc giúp cho học sinh hiểu biết về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống văn hóa của dân tộc mình, tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em là nhiệm vụ rất quan trọng.
Theo Bộ GDĐT, nhiệm vụ giáo dục văn hóa trong các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) là: Giáo dục học sinh về truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số và đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, giáo dục thái độ trân trọng di sản văn hóa dân tộc, từng bước hình thành ở học sinh lòng tự hào dân tộc, thái độ tự tin khi giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc khác, làm nên tiếng nói đa dạng, phong phú trong nền văn hóa thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Mỗi học sinh trường PTDTNT là đại diện văn hóa của một vùng quê, một dân tộc. Do đó trường PTDTNT cần tạo điều kiện để học sinh được thể nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tiếp xúc với các giá trị văn hóa của dân tộc khác để dòng chảy văn hóa không ngừng được nuôi dưỡng và lớn mạnh; tổ chức các hoạt động tìm hiểu, thể hiện, giao lưu văn hóa để học sinh được trao đổi học tập và cùng tham gia vào việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân tộc…
Tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), đã trở thành nét đẹp truyền thống, vào thứ 2 hằng tuần và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, học sinh đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Việc làm có ý nghĩa này không chỉ giúp các em ghi nhớ đặc điểm hoa văn, họa tiết, mà còn hiểu được ý nghĩa của trang phục. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đưa dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian vào hoạt động giữa giờ cho các em trải nghiệm.
Thầy Hoàng Văn Quyết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài việc giảng dạy, học tập theo chương trình chính khóa, nhà trường còn lồng ghép các chương trình giáo dục địa phương vào từng môn học. Đối với văn hóa vật thể, truyền dạy cho học sinh về kiến trúc nhà cửa, trang phục truyền thống của dân tộc mình; văn hóa phi vật thể, truyền dạy những điệu dân ca, trò chơi dân gian, sản xuất và sử dụng các loại nhạc cụ... Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng tới việc giới thiệu các món ăn của đồng bào dân tộc như cơm nếp tam sắc, ngũ sắc, cơm lam, bánh chưng, bánh ú, gà nướng, cá nướng, canh loóng, canh đắng trong các hoạt động của ngày lễ trong năm.
Đặc biệt trước khi nghỉ tết, nhà trường tổ chức lễ tết đoàn viên, là dịp để thầy trò tổ chức gói bánh chưng toàn trường. Khi các em về nghỉ tết, nhà trường sẽ giao cho các em những bài viết, xem ở làng, bản mình có nét văn hóa đặc sắc gì, sau đó các em sẽ ghi lại. Sau Tết nhà trường có hoạt động ngoại khóa xung quanh vấn đề này. Từ những việc làm đó, giúp các em hiểu, yêu hơn về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình và có ý thức trách nhiệm cao trong việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của địa phương mình.
Tương tự, tại Trường PTDTNT Hà Nội, tiết chào cờ đầu tuần của trường luôn là những tiết học sôi nổi. Ở đó các học sinh xúng xính trong trang phục dân tộc Mường, Dao hăng hái tham gia hoạt động và học tập… Những ngày hội toàn trường hay giao lưu với các ngôi trường khác, học sinh nơi đây cũng tự hào khoác lên mình trang phục dân tộc, coi đó như là nét riêng của bản thân, và cũng là bản sắc của ngôi trường. Ngoài ra, nhà trường cũng giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh qua việc xây dựng phòng truyền thống nhà trường, thư viện văn hóa để trưng bày, lưu giữ, quảng bá các sản phẩm văn hóa dân tộc...
Nhà trường cũng thường xuyên xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh, nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số, tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu về các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ và các đặc sản địa phương...
Có thể thấy, việc đưa nét đẹp văn hóa các dân tộc nói chung và dân tộc Mường nói riêng vào trường học như một buổi sinh hoạt ngoại khóa bổ ích không chỉ giúp công tác giáo dục trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Nó còn là nhịp cầu tạo sự gắn bó, gần gũi giữa những người đam mê nghệ thuật truyền thống với lớp trẻ. Qua mỗi chương trình, học sinh có thể dần hình thành thói quen tìm hiểu và quan tâm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi những nét văn hóa này nếu không được thế hệ trẻ yêu mến và gìn giữ thì sẽ sớm bị mai một.
Nhờ được tiếp xúc thường xuyên với các hoạt động văn hóa và thông qua hoạt động văn hóa mà học sinh trường PTDTNT luôn hiểu biết, gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời còn là người hiểu biết và tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em. Nhờ có giáo dục văn hóa dân tộc, học sinh của trường PTDTNT được phát triển toàn diện, trở thành những công dân có tri thức, có văn hóa. Giáo dục văn hóa dân tộc trong trường PTDTNT còn góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.