Giáo sư Nguyễn Văn Chì sinh năm 1903 tại làng Lương Hòa, huyện Bến Thành, nay nhập về Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang trong một gia đình điền chủ.
Pétrus Ký Sài Gòn, nơi Giáo sư Nguyễn Văn Chì từng có thời gian giảng dạy. (Ảnh: Nadal).
Năm 1915 ông theo học tại trường trung học Mỹ Tho. Do học giỏi, ba năm sau được cấp học bổng, ông chuyển lên học trường Chasseloup – Laubat, nay là trường Lê Quý Đôn tại thành phố Hồ Chí Minh. Con đường học vấn của ông không mấy suôn sẻ. Khi học ở Chasseloup – Laubat, do tham gia vào cuộc bãi khóa để phản đối viên giám thị đánh đập học sinh, ông bị đuổi học.
Nghỉ học một thời gian, ông được nhà trường “xóa án” cho học tiếp. Thi đậu bằng thành chung, ông “học nhẩy” và chỉ một năm sau ông đỗ tú tài toàn phần.
Có bằng tú tài, ông nộp đơn xin đi dạy học. Dạy học được bốn năm ở Cai Lậy, ông lập gia đình rồi tự học và thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội cùng khóa với Đặng Thái Mai, Ca Văn Thỉnh, Tôn Quang Phiệt – sau này các vị đó đều là những giáo sư nổi tiếng của đất nước.
Năm 1928 tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội ông được bổ nhiệm về dạy ở trường trung học Cần Thơ và sau đó chuyển sang trung học Mỹ Tho.
Năm 1934, ông được điều về dạy trường Pétrus Ký Sài Gòn.
Năm 1943, phát xít Nhật trưng thu trường Pêtrus Ký, ông nghỉ học, tham gia Hội truyền bá chữ Quốc ngữ và trở thành một trong những giáo viên chủ chốt đào tạo cán bộ cho phong trào do Mặt trận Thống nhất Phản đế phát động.
Đầu năm 1945, Mỹ ném bom Sài Gòn, ông đưa gia đình sơ tán về quê rồi quay lại Sài Gòn tham gia Phong trào Thanh niên Tiền Phong, cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, giáo sư Lê Văn Huấn, hình thành Ban Quản trị của phong trào.
Đêm 24 rạng ngày 25/8/1945, ông được lệnh cùng các giáo sư Đặng Minh Trứ, Lê Văn Chi, Trần Văn Nguyên dẫn đầu đoàn giáo chức vào chiếm Nha học chính Nam Kỳ, kéo cờ đỏ sao vàng lên nóc tòa nhà. Sau khi giành chính quyền, ông được giao nhiệm vụ làm giám đốc Nha học chính Sài Gòn.
Ngày 23/9/1945, quân Pháp chiếm lại Sài Gòn. Ủy ban hành chính lâm thời Nam bộ ra Tuyên cáo quốc dân, kêu gọi đồng bào Nam bộ kháng chiến, cụ thể thực hiện tốt 12 điều bất hợp tác với quân Pháp.
Hưởng ứng Lời kêu gọi Ái Quốc, giáo sư Nguyễn Văn Chì tham gia phụ trách Liên đoàn viên chức Sài Gòn – Gia Định, vận động đồng bào tản cư, công nhân phá hoại một số công trình trọng yếu, biến Sài Gòn thành một thành phố “Không điện, không nước, không cửa hàng, không chợ búa” để vây hãm quân địch.
Do những hoạt động trên, đầu năm 1946 ông bị địch bắt giam tại bót Cartina. Tại phòng điều tra, nhiều tên “cò” mật thám vốn là học trò cũ của giáo sư, nhớ công thầy giáo dưỡng, kính nể thầy, đã tìm mọi cách “gỡ tội” cho thầy để địch trả lại tự do cho giáo sư.
Thoát khỏi nhà tù, nhà cầm quyền Pháp nhiều lần gặp gỡ, mời ông đảm đương những chức vụ quan trọng, song ông thẳng thừng từ chối. Với tinh thần yêu nước, bất hợp tác và phản kháng, giáo sư xoay ra bán kim chỉ ở chợ Cầu Ông Lãnh, rồi cùng những người bạn cố tri là những giáo sư có tên tuổi ở Sài Gòn hồi đó ra đứng đường bán gạo, muối, nước mắm v.v… tạo dư luận phản đối mạnh mẽ giới cầm quyền.
Đầu năm 1947, tổ chức cử người vào đón giáo sư bí mật ra Đồng Tháp Mười. Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ cử ông làm Giám đốc Sở giáo dục Nam Bộ. Lo lắng trước nhiệm vụ được giao, ông viết thư kêu gọi các bạn đồng nghiệp và những học sinh đã trưởng thành đang giảng dạy, rời bỏ đô thị ra vùng giải phóng cùng nhau xây dựng hệ thống giáo dục của chế độ mới. Giáo sư tổ chức việc biên soạn sách giáo khoa, mở lớp đào tạo trưởng, phó ty giáo dục, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông cho Nam bộ. Người ít, việc nhiều, điều kiện làm việc khó khăn, thiếu thốn, song dưới sự chỉ đạo của giáo sư, bằng uy tín và sự hiểu biết sâu rộng của mình, Sở giáo dục Nam bộ ngày càng phát triển; số giáo sư từ vùng tạm chiếm xung phong ra vùng giải phóng giảng dạy ngày càng nhiều; trường lớp các cấp ngày càng phát triển ở các địa phương. Xây dựng cơ bản xong bộ máy tổ chức giáo dục Nam bộ, giáo sư được điều động về trực tiếp làm giám đốc trường sư phạm Nam bộ đóng tại Rạch Tắc ở Bạc Liêu nhằm đào tạo một đội ngũ giáo viên đông đảo, đáp ứng yêu cầu bức bách của các địa phương.
Năm 1952 giáo sư được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Theo quyết định của Trung ương Cục miền Nam, giáo sư trở lại Sài Gòn hoạt động bí mật trong giáo giới và sinh hoạt trong chi bộ Ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Cùng được điều từ vùng kháng chiến cũ về Sài Gòn còn có nhiều giáo sư khác, hầu hết là những trí thức nổi tiếng thời đó như các giáo sư Lê Văn Chi, Lê Văn Thả, Nguyễn Văn Thường, Lê Văn Huấn v.v… Đội ngũ giáo sư cách mạng mới trở về thường dạy ở các trường tư thục có sẵn hoặc phối hợp với nhau mở trường mới. Đây là lực lượng bổ sung quan trọng cho Ban Trí vận thành phố và những trường do các giáo sư phụ trách trở thành nòng cốt trong các cuộc đấu tranh.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Trí vận Thành ủy, giáo sư Nguyễn Văn Chì cùng đồng nghiệp của mình, phối hợp chặt chẽ với đồng chí Lê Đông – Chủ tịch nghiệp đoàn giáo dục tư thục Việt Nam đã có nhiều hình thức giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, tinh thần quật khởi, ý chí thống nhất đất nước qua những đêm biểu diễn văn nghệ như vở kịch “Tiếng trống Mê Linh”; “Đường lên Tây Trúc”; “Trên nền nhà cháy”, “Thằng Cuội với cây đa” v.v… tổ chức các hoạt động hướng tình cảm của giáo viên, học trò đến đồng bào lao động nghèo, đến những nơi bị tai họa chiến tranh do kẻ thù dân tộc gây ra và có những hành động thiết thực như: giúp đỡ lương thực, thuốc men, xây dựng lại nhà cửa, miễn học phí, cấp học bổng cho các học trò nghèo hiếu học; tổ chức lễ truy điệu cô giáo Lê Thị Diệu bị chính quyền Sài Gòn sát hại; tổ chức chống chính sách giáo dục nô dịch, chống sự khủng bố của địch, đòi Tổng Tuyển cử, đòi hòa bình thống nhất đất nước.
Bọn biệt kích I – đơn vị thường xuyên theo dõi hoạt động của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn – ngày 30/4/1959 đã bắt giáo sư tại gia và tiếp theo đó bắt một loạt trí thức cách mạng. Cái gọi là “Tòa án” của ngụy quyền Ngô Đình Diệm đã kết án giáo sư 20 năm tù về tội “âm mưu lật đổ chế độ Việt Nam Cộng hòa” và giam tại Khám Chí Hòa. Trong tù, ông giữ vững khí tiết của người cách mạng, người cộng sản, khước từ mọi sự mua chuộc của kẻ thù, ung dung dịch sách, làm thơ, viết giáo trình, động viên đồng đội giữ vững niềm tin và khí tiết của người cách mạng.
Năm 1967, giáo sư được trả tự do và ngay sau đó, giáo sư tìm đường ra khu giải phóng, lên R để nhận trọng trách: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn – Gia Định.
Được sự lãnh đạo của thành ủy, ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn Gia Định dưới sự điều hành của giáo sư Nguyễn Văn Chì – người vừa được trả tự do, lúc này tập trung vào chuẩn bị cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân như giáo sư đã từng phát biểu: “Vừa ở tù ra, sức chưa hồi phục, công việc ngập đầu song không thấy mệt” (1).
Năm 1975 chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước đã hòa bình, thống nhất. Để tăng cường và mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện mới, trong các ngày 27, 28/7/1975 thành phố Sài Gòn – Gia Định đã tiến hành Đại hội lần thứ III Mặt trận dân tộc giải phóng. Sau 3 tháng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố, Đại hội đã bầu giáo sư làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng thành phố và 13 vị tiêu biểu cho các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo làm Phó Chủ tịch.
Đại hội đã bàn bạc và thông qua nhiều giải pháp để sớm ổn định tình hình nhân dân thành phố vừa được giải phóng trong đó có việc vận động đồng bào trở lại nông thôn, đi xây dựng vùng kinh tế mới và việc phân phối hàng chục vạn tấn gạo cho 30 vạn đồng bào nghèo.
Tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận trong cả nước diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh từ 31/1 đến 4/2/1977, giáo sư được cử vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Trung ương bầu vào Đoàn Chủ tịch nhiệm kỳ 1977 – 1983.
Do tuổi cao sức yếu, giáo sư mất ngày 6/9/1989 thọ 86 tuổi.