Giáo sư Tôn Thất Tùng đến với Mặt trận

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) 20/10/2017 09:05

Giáo sư – bác sĩ Tôn Thất Tùng là một nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam cũng như trên thế giới trong lĩnh vực y học, đặc biệt về gan và phẫu thuật gan. Ông được phong danh hiệu Anh hùng lao động Việt Nam, được bầu Viện sĩ Viện Hàn lâm y học Liên Xô, Hội viên Hội Quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hòa Dân chủ Đức, Viện sĩ Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris, Hội viên Hội phẫu thuật Lion (Pháp)… Ông được nhân dân các tỉnh Thái Bình, Hải Hưng, Hải Phòng, Bình Trị Thiên bầu làm đại biểu Quốc hội liên tục 5 kh

Đối với Mặt trận, bác sĩ Tôn Thất Tùng đến với Mặt trận khá sớm. Theo ông kể trong các lần họp mặt: Ông đến với Việt Minh từ ngày “Nhật – Pháp bắn nhau” tức ngày 9/3/1945, rồi sau đó ông tham gia Mặt trận Liên – Việt (7/3/1951) và UBTƯ MTTQ Việt Nam (10/9/1955). Và tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận ở hai miền được tổ chức từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977 tại TP Hồ Chí Minh, ông được cử vào Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ông đảm nhiệm trọng trách đó cho đến ngày vĩnh biệt chúng ta.

Với 32 năm liên tục hoạt động trong các hình thức tổ chức của Mặt trận dân tộc thống nhất, từ Việt Minh đến Liên Việt và MTTQ Việt Nam (miền Bắc) rồi MTTQ Việt Nam của cả nước, ông trở thành một trong những vị lãnh đạo không chuyên trách của Mặt trận có thâm niên cao nhất, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất.

Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 tại Thanh Hóa trong một gia đình hoàng tộc nhà Nguyễn. Cha ông là Tôn Thất Niên – Tổng đốc Thanh Hóa, qua đời khi ông mới tròn 3 tháng tuổi. Mẹ ông – bà Hồng Thị Mỹ Lệ mang con rời Thanh Hóa về quê mình – thôn Dương Xuân Thượng – nay thuộc phường Đúc, TP Huế. Ông lớn lên ở đất đô thành Huế.

Năm 1931, ông ra Hà Nội và thi đỗ vào trường trung học bảo hộ mà dân ta quen gọi là trường Bưởi, tức trường Chu Văn An ngày nay.

Năm 1935 ông theo học ngành y tại trường Đại học Y khoa Hà Nội – trường thành viên của Viện Đại học Đông dương. Trước cách mạng tháng Tám, trường Y Hà Nội có một quy định: Sinh viên Y khoa bản xứ chỉ được thực tập ngoại trú, không được dự các kỳ thi “nội trú” với ý đồ không muốn cho các bậc sĩ bản xứ có trình độ chuyên môn cao có thể cạnh tranh với các bác sĩ chính quốc.

Tốt nghiệp đại học y khoa loại xuất sắc, ông cùng mười sinh viên khác được tuyển làm ngoại trú tại bệnh viện Phủ Doãn.

Trong thời gian làm việc ngoại trú tại đây, ông rất bất bình trước sự phân biệt đối xứ đó và đã liên tục đấu tranh đòi xóa bỏ nó. Cuối cùng, ông đã thắng. Ông là người đầu tiên và duy nhất trúng tuyển kỳ thi khóa nội trú đầu tiên của trường, tạo tiền lệ cho các kỳ thi nội trú sau này cho các bác sĩ nội trú bản xứ.

Trong bài phát biểu “Con đường đưa tôi đến với Cách mạng tháng Tám” nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch (19/5/1890 – 19/5/1980) tại trụ sở UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông nói: “Ngày 9/3/1945 Nhật – Pháp bắn nhau. Hồi đó tôi làm ở bệnh viện Phủ Doãn, có chữa trị cho một bệnh nhân gọi là Việt Minh do hiến binh Nhật mang đến. Đó là một công nhân xếp chữ ở một nhà in Hà Nội. Lúc sắp chết anh ta cầm tay tôi và khuyên tôi hãy tin vào tương lai của dân tộc, cách mạng nhất định thắng. Tôi suy nghĩ nhiều về lời khuyên đó, để ý nhiều đến hoạt động của Việt Minh và cuối cùng đi theo Việt Minh”.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ ở Hà Nội, ông cùng với đồng đội là anh em Việt Minh giành chính quyền ở bệnh viện Phủ Doãn. Như ông đã viết trong Hồi ký: “Chỉ cần nổ ba phát súng là ông chánh y tế Nhật và ông phó y tế Pháp bỏ chạy; ông trước với lưỡi gươm dài lòng thòng; ông sau với cái cặp đầy hồ sơ”.

Trong những lần gặp gỡ với những trí thức đầu đàn - thành viên MTTQ, ông thường nhắc đi, nhắc lại với niềm tự hào về lần đầu tiên ông được gặp Cụ Hồ. Cách mạng tháng Tám thành công, Bác về Hà Nội, một hôm ông Nguyễn Lương Bằng – Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh tới bệnh viện Phủ Doãn mời bác sĩ Tôn Thất Tùng đến khám và chữa bệnh cho một cụ già gày xanh, nhưng có đôi mắt rất sáng. Đó chính là Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chí Minh. Chính cuộc gặp gỡ “lịch sử” đó, như ông thừa nhận, “đã để lại trong tôi niềm tin mãnh liệt vào Bác, vào Mặt trận Việt Minh”. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc Lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau khi chính quyền non trẻ của nhân dân ta đứng trước việc phải khẩn trương chuẩn bị cho kháng chiến, bác sĩ Tôn Thất Tùng được giao nhiệm vụ tìm kiếm thuốc men và dụng cụ y tế mang dần lên chiến khu. Hầu hết các bác sĩ, y tá của bệnh viện đã ngả theo cách mạng. Nhưng cái khó là bọn Tàu Tưởng bố trí một tên lính Nhật gác cổng. Và ông đã thành công nhờ chiến thuật “Điệu hổ ly sơn”. Và ta đã đưa được nhiều chuyến hàng ra khỏi bệnh viện một cách an toàn.

Ngày 19/12/1946 Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Toàn dân tộc bước vào cuộc chiến đấu mới. Bác sĩ Tôn Thất Tùng cùng gia đình lên chiến khu Việt Bắc. Điều kiện sống và làm việc cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, lại phải thường xuyên di chuyển: Lúc Hòa Xá (Sơn Tây), khi Phú Thọ, Chiếm Hóa (Tuyên Quang) song ông cùng gia đình và đồng nghiệp đã vượt qua và tham gia hầu hết các chiến dịch như Sông Lô, Hoàng Hoa Thám rồi Điện Biên Phủ để cứu chữa thương binh và nhân dân địa phương. Cuối cùng, ông được giao nhiệm vụ cùng giáo sư Hồ Đắc Di, xây dựng trường đại học y khoa kháng chiến tại làng Ải, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Cuốn “Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật” – cuốn sách y học đầu tiên của ông, cũng là cuốn sách y học đầu tiên được xuất bản dưới chỉnh thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của hàng nghìn ca phẫu thuật do ông và các đồng nghiệp tiến hành qua các chiến dịch.

Cũng như nhiều nhà khoa học khác, giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng có hạnh phúc lớn là nhiều lần được gặp Bác, được sự chăm sóc ân cần của Bác và để lại trong ông những kỷ niệm khó quên.

Kỷ niệm mà ông nhớ nhất là những ngày chăm sóc sức khỏe cho Bác khi Người mới từ chiến khu trở về Thủ đô. Mỗi lần thăm khám xong, Bác thường giữ ông ở lại để hỏi chuyện công việc, gia đình và tình hình trí thức. Có lần biết vợ ông vừa sinh con trai đầu lòng, Bác rất vui: “Để tôi đặt tên cho cháu. Tên chú có bộ mộc, nên đặt tên cho cháu là Bách”.

Mặc dù, bận trăm công nghìn việc, song Bác Hồ không bao giờ quên sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Giáo sư Tôn Thất Tùng kể: Trước khi Người lên đường sang Pháp, Bác giao nhiệm vụ cho ông Hoàng Hữu Nam – Thứ trưởng Bộ Nội vụ phải đón cho kỳ được cụ Vi Văn Định về Hà Nội, kẻo “hữu sự thì không kịp”. Bác nói: “Con cháu cụ Vi đều đi với cách mạng cả, hãy mời cụ về Hà Nội”. Đối với tôi, Bác giao nhiệm vụ: “Chú là cháu rể, chú hãy đi cùng, cố thuyết phục, năn nỉ để cụ đi cùng con cháu trong cuộc đấu tranh gian khổ này”.

Một kỷ niệm khó quên, một vinh dự lớn đối với Giáo sư Tôn Thất Tùng mà ít ai có được. Đó là câu chuyện về tấm huân chương kháng chiến hạng ba do đồng chí Hoàng Quốc Việt kể trong dịp sinh nhật lần thứ 80 của Hồ Chủ tịch: Năm 1949, bác sĩ Đặng Văn Ngữ từ Nhật về mang theo hai chủng nấm Pê-nê-xi-lin nô-ta-tum và Step-tô-mi-xét Gri-đê-út – những thứ mà quân y ta đang rất cần. Dưới sự chỉ đạo của hai bác sĩ Đặng Văn Ngữ và Tôn Thất Tùng, việc sản xuất thí nghiệm Pê-ni-xi-lin và Step-tô-mi-xin thành công. Đây là một chiến công đặc biệt mà từ trước đến nay trong các cuộc chiến tranh du kích chưa nước nào trên thế giới này làm được. Với thành tích xuất sắc đó, hai bác sĩ đồng chủ nhiệm đề tài được thưởng huân chương. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ được thưởng huân chương kháng chiến bạng ba. Còn bác sĩ Tùng, Bác Hồ có một đặc ân: “Bác cho phép chú được lựa chọn huân chương nào mà chú muốn. Chú tự bình bầu đi”.

Bác sĩ Tôn Thất Tùng không đắn đo đã chọn cho mình tấm huân chương kháng chiến hạng ba như bạn mình đã được tặng.

Mấy hôm sau, vào một buổi tối, Bác Hồ mời các vị trong Hội đồng Chính phủ, một số đồng chí lãnh đạo Ban thi đua khen thưởng Trung ương đến dự bữa cơm để trao huân chương cho ông, Bác mời bác Tôn Đức Thắng gắn huân chương. Còn Bác Hồ phát biểu trong đó có câu “Chú Tùng là một xi-đơ-văng(1).

Giáo sư Tôn Thất Tùng đã kinh qua các chức vụ: Chủ nhiệm bộ môn ngoại khoa trường đại học y khoa Hà Nội, Giám đốc bệnh viện Phủ Doãn tức bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Ông có công lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ tài năng cho đất nước, trong đó có con ông – bác sĩ nổi tiếng Tôn Thất Bách.

Ông là tác giả của “phương pháp cắt gan khô nổi tiếng thế giới”.

Đánh giá cao sự đóng góp của ông cho cách mạng, cho dân tộc và cho nền y học Việt Nam cũng như thế giới, Nhà nước đã trao tặng ông danh hiệu Anh hùng Lao động, 2 Huân chương Lao động Hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến Hạng Ba.

Và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh (1992) và giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) năm 1996.

Tên ông được đặt cho những con đường ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và ở một số tỉnh, thành phố khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo sư Tôn Thất Tùng đến với Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO