Quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia - dân tộc là một thực tại tất yếu, xuyên suốt trong lịch sử của bất kỳ một quốc gia – dân tộc nào trên thế giới. Nhiều nhân tố có thể và đã tham gia vào quá trình này với những mức độ đậm nhạt khác nhau, trong đó, những nhà văn hóa đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Họ vừa là chủ thể, vừa là tác nhân, lại vừa là sản phẩm tuyệt vời của quan hệ giao lưu văn hóa giữa một dân tộc này với một/ những dân tộc khác. Trong giao lưu văn hóa Việt – Nga, nhà Việt Nam học xuất sắc người Nga, Giáo sư Viện sĩ Nicolai Ivanovits Niculin (1931 – 2006) chính là một trong những nhà văn hóa như vậy.
Giáo sư, Viện sỹ N.I.Niculin.
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, Niculin đã có mặt tại Hà Nội với tư cách một nhà khoa học trẻ tuổi đang hăm hở chiếm lĩnh những bề rộng và chiều sâu của lịch sử văn hóa - văn học Việt Nam. Suốt nửa thế kỉ “thâm canh” trong phạm vi nghiên cứu này, ông đã để lại hơn 300 đề mục khoa học với hàng ngàn trang in, bao quát lịch sử văn hóa - văn học Việt Nam từ chiều sâu ngàn năm văn hiến tới chính nền văn hóa - văn học đương đại. “Với kiến văn sâu rộng, ông đã góp thêm những khám phá mới mẻ về ngọn nguồn văn hóa Đông Sơn với quan niệm về “cây thế giới”; về nền tảng văn hóa Bắc Bộ và bản lĩnh dân tộc với sự định hình truyền thuyết Ông Đống và Phù Đổng; về phức hợp thần thoại Việt – Mường miền Tây – Tây Bắc Bắc Bộ với sự hình thành văn học và bản chất thể loại của Đẻ đất đẻ nước; về bản sắc vùng văn hóa Tây Nguyên với các đặc trưng “cuộc cầu hôn anh hùng” trong sử thi Êđê và đặc điểm nguyên hợp có tính loại hình của tác phẩm Hmon Đămnoi trong folklore Bana...” Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn đã viết về ông như vậy trong bài Nửa thế kỉ đồng hành cùng văn học Việt Nam (in trong cuốn N.I.Niculin – Dòng chảy văn hóa Việt Nam. Nguyễn Hữu Sơn và Hồ Sĩ Vịnh tuyển chọn và giới thiệu. NXB Văn hóa thông tin, 2006). Đó là nói sơ qua về mảng văn hóa – văn học dân gian, còn với bộ phận văn học thành văn – gồm cả giai đoạn trung đại và hiện đại - thì: “...có thể khẳng định rằng hầu hết các vấn đề, các tác gia và các tác phẩm lớn của nền văn học Việt Nam đều đã được N.I.Niculin quan tâm tìm hiểu - điều mà không phải bất cứ một nhà nghiên cứu tên tuổi nào cũng đạt tới” (Nguyễn Hữu Sơn, bài đd).
Những nghiên cứu cụ thể của Niculin đã xác nhận điều đó: ông hầu như không “bỏ sót” một tác giả lớn nào của văn học Việt Nam trung cận đại (Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Đình Chiểu, Tản Đà, Phan Bội Châu); ông đặc biệt quan tâm tới các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ông cũng rất kịp thời tìm hiểu và giới thiệu những sáng tác mới nhất của Tố Hữu, Nguyễn Khải, Thu Bồn, Nguyễn Văn Bổng, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Mạnh Tuấn v.v... Một phần thuộc khối tri thức rộng và sâu ấy của Niculin về lịch sử văn hóa – văn học Việt Nam đã được ông tổng kết và hệ thống hóa trong hai công trình văn học sử bề thế: Văn học Việt Nam sơ thảo (1971) và Văn học Việt Nam từ trung đại đến thời mới, thế kỉ X – XIX (1977). Hai công trình này, khác một cách cơ bản với hầu hết những công trình văn học sử Việt Nam đã có (do người Việt Nam biên soạn, tất nhiên) ở một điểm rất quan trọng, đó là nhà nghiên cứu Nga luôn đặt văn học Việt Nam trong quan hệ quốc tế – những bước đi nhân loại. Nói chung, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu của Niculin có thể và cần phải được nhìn từ hai phía. Một mặt, rõ ràng ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu văn hóa – văn học Việt Nam với nhân dân Nga, bắc một nhịp cầu thông hiểu từ đất nước Nga vĩ đại tới đất nước Việt Nam anh em. Nhưng mặt khác, với sự trang bị những phương pháp luận khoa học đúng đắn và mới mẻ, với lợi thế khách quan của một cái nhìn từ bên ngoài, ông đã giúp người Việt Nam hiểu sâu thêm và nhiều hơn về chính nền văn hóa – văn học của dân tộc mình. Những tri thức về Việt Nam cho người Việt Nam mà Niculin cung cấp hẳn sẽ có một ý nghĩa không nhỏ đối với chúng ta.
Niculin đã có dịp làm việc với nhiều học giả hàng đầu người Việt, như Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh, Ca Văn Thỉnh, Phạm Huy Thông, Vũ Khiêu, Nguyễn Huệ Chi, Phong Lê v.v... Trong số đó, người để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là giáo sư Đặng Thai Mai. Trong bài viết nhân kỉ niệm 10 năm ngày mất của giáo sư Đặng Thai Mai (1984 – 1994), ông khẳng định, với ông, Đặng Thai Mai “là Người Thầy với những chữ cái viết hoa” (Đặng Thai Mai – con người, nhà khoa học, người thầy. Sđd, tr 348). Lẽ dĩ nhiên, sinh ra và trưởng thành trong một môi trường khoa học ngữ văn lớn như Nga – Xô viết, quê hương của những nhà bác học lừng danh thế giới như Propp, Bakhtin, Lottman, Konrad, Lixevits, Pospelov v.v..., Niculin hẳn không chịu ơn nhà học giả Việt Nam nhiều lắm về phương pháp nghiên cứu hay tư duy học thuật. Mà ở đây chính là câu chuyện về một công án khoa học – nếu phải mượn lại khái niệm của Thiền – mà giáo sư Đặng Thai Mai, bằng uy vọng của mình, đã cho Niculin lời giải. Số là, Niculin bắt đầu sự nghiệp nhà Việt Nam học của mình bằng việc nghiên cứu một số truyện vừa và tiểu thuyết Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp. Đây là một lựa chọn bắt buộc, bởi các nhà lãnh đạo Xô viết thời đó (1956 – 1958) muốn Viện Đông phương học quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề hiện đại của các nước phương Đông (trong đó có Việt Nam) chứ không tập trung vào lịch sử và văn hóa các thời đại quá khứ như trước. Niculin xin gặp Đặng Thai Mai. Và kết quả là, như Niculin kể lại: “Ông đã giải toả cho tôi nhiều mối hoài nghi. Văn xuôi thời chống Pháp phát triển không thành công về mặt nghệ thuật - ông nói rõ rệt, do đó đã khiến tôi nhẹ nhõm. Bởi lẽ tôi đã đau khổ vì nghĩ rằng có lẽ mình không hiểu được cái chính trong văn xuôi này. Hóa ra không phải thế, tôi đã hiểu đúng hoàn toàn” (Bài, sách đd, tr 350). Chúng ta phải nhớ rằng thời điểm diễn ra cuộc gặp này là năm 1958, năm mà phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại ở Việt Nam đang rất căng thẳng: sẽ là thiếu “tế nhị” nếu nhà khoa học Nga đánh giá thấp nền văn xuôi kháng chiến của nước bạn, hơn nữa anh ta cũng đang không chắc chắn lắm ở sự đánh giá của mình. Nhưng nếu vì, và nếu chỉ vì “tình hữu nghị” mà mơn trớn vuốt ve, tất nhiên anh ta sẽ không còn là một nhà khoa học chân chính. Trong tình thế như vậy, lời nói của Đặng Thai Mai đã cho Niculin một lối thoát: “Văn học Việt Nam ở Nga cần phải hiện diện ngay bằng những kiệt tác, cần phải giành được uy tín và sự thừa nhận. Do đó đề tài luận án phó tiến sĩ của tôi và cũng là cuốn sách đầu tiên về văn học Việt Nam bằng tiếng Nga là sáng tác của nhà thơ vĩ đại Nguyễn Du” (Bài, sách đd, tr 350).
Về những đóng góp to lớn của Niculin cho ngành Việt Nam học, người viết bài này sẽ không đề cập nhiều hơn mà chỉ xin kể ra ở đây một “thu hoạch” thú vị nho nhỏ khi đọc tuyển tập tác phẩm Dòng chảy văn hóa Việt Nam của ông. Hóa ra, không cần phải chờ đến Cách mạng Tháng 10 Nga bùng nổ thì người Việt Nam mới biết tới đất nước Nga băng tuyết xa xôi, và từ đó, những mối liên hệ Việt – Nga mới bắt đầu được thiết lập. Niculin cho biết: ở những năm cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, tại Lixbon (Bồ Đào Nha) có một linh mục người Việt tên là Philipphê Bỉnh đã theo dõi và viết (bằng chữ quốc ngữ) về nước Nga với những tình cảm hữu ái chân thành. Philipphê Bỉnh đến Bồ Đào Nha năm 1796 và sống tại đó hơn 35 năm, do vậy mà ông có dịp trở thành người chứng cho những sự kiện làm khuynh đảo toàn Châu Âu của quân đội Napoleon. Sẵn có ác cảm với Hoàng đế nước Pháp (Napoleon từng bắt Giáo hoàng La Mã làm tù binh, chắc chắn đó là điều không hề khiến một linh mục Công giáo thấy dễ chịu), Philipphê Bỉnh đã chào mừng chiến thắng của nước Nga trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812 trước quân viễn chinh Pháp (Mối cảm tình của một người Việt Nam ở thế kỉ XVIII đối với nước Nga. Sdd, tr 504).
Xét ở một phương diện nhất định, phát hiện về tư liệu - như đã nêu bằng ví dụ trên - quả không mấy... to tát gì trong sự nghiệp của một nhà nghiên cứu tầm cỡ như Giáo sư Viện sĩ Nicolai Ivanovist Niculin. Nhưng cũng dễ thấy, nếu không phải là người quan tâm sâu sắc đến văn hóa Việt Nam và những mối quan hệ văn hóa giữa Việt Nam với thế giới bên ngoài, chắc chắn Niculin sẽ không bao giờ tìm ra tư liệu đã bị thời gian phủ bụi ấy (và nhiều tư liệu thú vị khác nữa). Cái nhỏ vốn đã nằm sẵn trong lòng một mục đích, một hướng đi lớn. Và chính đó là những cái nhỏ góp phần giúp chúng ta hình dung đầy đủ hơn về một nhà văn hóa xuất sắc, người đã có công không hề nhỏ trong việc tạo một nhịp cầu cho mối quan hệ văn hóa Việt – Nga, và dĩ nhiên, không chỉ là Việt – Nga.