Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn kết, cô Phạm Thị Thanh Nhung, trường THCS Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh cho rằng cần giúp HS nhận thức được cho phép sử dụng điện thoại là để phục vụ tốt hơn cho việc mở rộng kiến thức, không phải cho phép là để thoải mái trong giao lưu với bạn bè trên mạng xã hội trong giờ học.
PV:Khi Thông tư 32 chính thức có hiệu lực từ 1/11/2020, cô dự kiến sẽ quản lý HS sử dụng điện thoại thông minh trong lớp như thế nào?
Cô Phạm Thị Thanh Nhung: Ở trường của tôi đến hôm nay vẫn chưa có sự thay đổi về việc cho phép HS sử dụng điện thoại trong giờ học. Tuy nhiên, tôi dự kiến với đặc thù HS của trường tôi, mỗi lớp có từ 30-35 em, tôi nghĩ việc này không quá khó. Ví dụ khi tôi giao việc cho các em, chẳng hạn tìm thông tin trên internet qua điện thoại, trong thời gian đó đi vòng vòng để quan sát, xem HS có đang truy cập mạng internet đúng mục đích hay không. Nếu giáo viên ngồi một chỗ sẽ rất khó quan sát.
Thứ hai, chắc chắn sẽ phải quy định thời gian cho các em vào mạng. Hết thời gian, dù có câu trả lời hay không thì cũng phải ngừng truy cập và quay lại bài học để đảm bảo thời gian tiết học.
Theo cô, HS sẽ sử dụng điện thoại trên lớp cho mục đích học tập cụ thể là gì?
- Tôi đang dạy môn Ngữ văn khối 9, có những kiến thức trong bài học, như phần giới thiệu tác giả tác phẩm, sách giáo khoa chỉ cung cấp thông tin khái quát, cơ bản. Tôi có thể hướng dẫn các HS truy cập internet để tìm hiểu thêm về tác giả, đặc điểm tình hình đất nước lúc đó như thế nào để phục vụ cho phần mở rộng kiến thức. Hay với những bài nghị luận xã hội, bàn về tấm lòng nhân ái của con người Việt Nam được thể hiện qua mùa dịch Covid-19, để thuyết phục người đọc, cần những dẫn chứng, tôi sẽ cho HS tìm kiếm, giúp thông tin phong phú hơn.
Tùy tình hình từng lớp học, từng môn học, đặc điểm của HS mà giáo viên cần có nguyên tắc riêng của mình và phải kiểm soát được giờ dạy. Quan trọng là những quy định và thỏa ước giữa giáo viên và HS khi sử dụng điện thoại.
Có những HS có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh trong khi một số bạn lại chưa/không có điện thoại thì việc giao bài tập sẽ thế nào, thưa cô?
- Tôi nghĩ đó cũng là chuyện bình thường, các em có thể cùng tra cứu chung với bạn. Như giờ học vi tính, nếu nhà trường thiếu máy hoặc máy hỏng, các em cũng có thể dùng chung máy vi tính. Nên hiểu quy định này cho phép các con tiếp cận với thông tin thuận lợi hơn chứ không nên đặt nặng vấn đề bạn có, bạn không, chênh lệch gì ở đây.
Trân trọng cảm ơn cô!