Giáo dục

Giáo viên cũng cần được tư vấn tâm lý

Thu Hương 09/12/2023 14:00

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, bạo lực học đường là nỗi đau với không chỉ nạn nhân và người gây ra bạo lực. Nhà trường, gia đình và xã hội không ai “vô can”.

393122656_794334385824599_4229256727954656049_n.jpg
Giáo viên cũng cần được tham vấn tâm lý để giải tỏa những áp lực trong công việc, cuộc sống. Ảnh minh họa: Lam Nhi.

Ba chữ “lý”

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vụ việc cô giáo bị học sinh xúc phạm, ném dép vào người dẫn đến ngất xỉu ở Tuyên Quang tuần qua, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ nỗi buồn khi nghề nghiệp trước nay chúng ta vẫn coi là nghề cao quý trở thành nghề nguy hiểm. Hình ảnh cô giáo bất lực trước mấy chục đứa trẻ không chỉ một lần cho thấy sự cô đơn của cô trong chính lớp học, trong ngôi trường mà cô đang giảng dạy.

“Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến hai vấn đề quan trọng nhất là công tác giáo dục học sinh và công tác bồi dưỡng giáo viên, cả hai đều có thiếu sót” - ông Lâm nhận định.

Theo phân tích của Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, trong giáo dục, cần chú trọng “ba chữ lý” bao gồm tâm lý, quản lý và pháp lý. Mỗi lứa tuổi, mỗi đứa trẻ đều có tâm lý riêng tùy vào hoàn cảnh, nhận thức nên giáo viên phải có phương giáo dục phù hợp, không thể giáo dục kiểu “đồng phục”. Trong việc quản lý của nhà trường, cần đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc phát hiện sớm, giải tỏa, chia sẻ với những bức xúc của học sinh... để phối hợp giải quyết. Chữ lý thứ ba chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định, nhà trường cũng có nội quy về ứng xử giữa giáo viên và học sinh, học sinh và giáo viên. Học sinh có hành vi vô lễ với thầy cô là vi phạm đạo đức, cần phải có biện pháp giáo dục phù hợp để các em nhận ra lỗi lầm, không bao giờ tái phạm.

“Chỉ giơ cao đánh khẽ mong các em không vi phạm nữa sẽ rất khó” - ông Lâm nói và cho rằng, nếu vi phạm nghiêm trọng, ngoài khả năng xử lý của nhà trường, công an, chính quyền địa phương cần vào cuộc để học sinh không “nhờn”, thấy được trách nhiệm tuân thủ pháp luật của mỗi công dân.

Giáo viên cần sự sẻ chia

Đối với công tác bồi dưỡng giáo viên, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm cho rằng hiện nay trường sư phạm đã đào tạo, trang bị các kỹ năng xử lý tình huống. Tuy nhiên, hiện thực luôn phong phú hơn bài học trong sách vở và đòi hỏi sự phản ứng nhanh nhạy, bình tĩnh của giáo viên. Thay vì chỉ trông chờ vào kinh nghiệm hay sự tự giác rèn luyện, bồi dưỡng của giáo viên, cần tăng cường các khóa tập huấn để giáo viên biết làm chủ cảm xúc, có ứng xử phù hợp với học sinh.

Cụ thể, ngày nay giáo dục đề cao kỷ luật tích cực. Áp dụng kỷ luật không phải để “đày ải”, dùng hình phạt làm nhụt ý chí học trò mà để học sinh nhận thức rõ sai lầm, từ đó rút kinh nghiệm, thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi khi gặp sự việc tương tự. Trước đây áp dụng việc đuổi học học sinh tùy vụ việc, mức độ sai phạm nhưng hiện nay rất ít trường áp dụng hình thức kỷ luật này, thay vào đó các phòng tâm lý học đường, giáo viên- chuyên gia tâm lý giúp các em nhận thức vấn đề của mình, bên cạnh đó là các hình thức kỷ luật-giáo dục như dọn vệ sinh, đọc sách,…. Học sinh “ngã ở đâu thì phải đứng lên ở đấy”, có tập thể cùng chịu trách nhiệm giúp nhau tiến bộ.

“Giáo viên phải có năng lực quan sát, vận dụng khoa học tâm lý để giáo dục, chinh phục học trò chứ không phải giảng đạo lý. Cần đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, không thể trông chờ giáo viên “tự có”. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia tâm lý cần hỗ trợ, tư vấn không chỉ học sinh mà cả giáo viên khi gặp vấn đề khó xử lý trong công việc và cuộc sống” - ông Lâm nói.

Theo PGS. TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, giáo viên cần được tham vấn tâm lý để giải tỏa những bức xúc, những vấn đề họ gặp phải. Nhiều trường học có phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng lại đang mặc định chỉ giải quyết các vấn đề của học sinh trong khi để tạo lập môi trường sư phạm văn minh, hạnh phúc, không thể thiếu vai trò của người thầy. Ngoài kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, giáo viên cũng có nhu cầu được trang bị kỹ năng giải quyết tình huống.

“Tham vấn tâm lý học đường cần toàn diện, cho cả học sinh và giáo viên” - ông Nam nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo viên cũng cần được tư vấn tâm lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO