Trường tiểu học La Văn Cầu ở xã Cư San (huyện M Đrăk, tỉnh Đăk Lăk) có 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ. Tại đây các thầy, các cô vẫn phải dạy ghép lớp, vượt khó đường xa, vận động học sinh đến trường.
Chứng kiến thầy Đỗ Công Bắc phụ trách lớp ghép trình độ 2+3 mới thấy được vất vả của thầy cô giáo nơi đây. Vừa hết dạy cho học sinh lớp 2 tập đọc thầy lại quay sang dạy học sinh lớp 3 làm toán. Cả buổi dạy, thầy Bắc không có thời gian để nghỉ ngơi. Tuy vất vả là vậy song thầy Bắc luôn nỗ lực hết mình với mong muốn em nào cũng đọc thông, viết thạo.
“Mặt bằng chung của học sinh, dạy lớp ghép thì không thể chất lượng đạt được như chỉ dạy 1 lớp. Dạy lớp ghép thì khi dạy bên kia là môn toán, bên này là môn tiếng việt thì trong quá trình đảo 2 môn rất khó khăn. Khi nói lớp 2 thì phải chuyển cho học sinh lớp 3 có thời gian thảo luận hay giải quyết một vấn đề câu hỏi gì ở trong bài tập đó. Nên trong đầu giáo viên luôn trong tư thế một lúc có 2 chương trình. Dù khó khăn như vậy nhưng chúng tôi luôn cố gắng để dạy các em hoàn thành cả chương trình lớp 2 và lớp 3”, thầy Đỗ Công Bắc cho biết.
Không chỉ nỗ lực trong chuyên môn, nhiều giáo viên của trường chấp nhận sống xa gia đình để mỗi tuần lại vượt hơn 50 km đường xa để đến lớp. Không thể đi về trong ngày, nhiều giáo viên đã ở lại trường dù điều kiện sống còn thiếu thốn nhưng thầy cô giáo nơi đây vẫn lạc quan, động viên nhau nỗ lực bám trường, bám lớp, dạy chữ.
Gắn bó với trường tiểu học La Văn Cầu hơn 5 năm nay, cô Đinh Hồng Thiên Phương, giáo viên nhà trường chia sẻ: “Ở đây chợ không có, cách trung tâm cũng xa, đa số chúng tôi phải đưa thức ăn từ ngoài trung tâm vào rồi sau đó ăn dần. Đi lại gặp mưa, đường trơn trượt, các cô tay lái yếu nên phần lớn các cô ở lại đây. Khi tiếp xúc với các em, thấy các em vất vả cũng thương lắm nên cô gắng bám trụ gieo chữ cho các em”.
Thầy Võ Ngọc Huỳnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu, xã Cư San, Mđrắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, toàn trường có 13 lớp với hơn 300 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó 90% các em là dân tộc thiểu số. Toàn trường có 30 cán bộ công, nhân viên, nhưng hơn nửa số này nhà cách trường từ 50-100km.
Dù rào cản ngôn ngữ có lớn đến đâu, địa hình rừng núi khó khăn, hiểm trở cách mấy, tất cả cũng không ngăn được tình thương của các thầy, cô giáo dành cho học trò. Tập thể ban giám hiệu và giáo viên nhà trường luôn đoàn kết, động viên nhau để mỗi thầy cô giáo vượt qua khó khăn dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc, góp phần không nhỏ đưa chất lượng giáo dục của ngôi trường nơi vùng sâu Cư San này ngày càng nâng cao.
“Giáo viên ở trường chủ yếu là giáo viên ở xa. Gần nhất là 50 km còn lại là 100 km, 70 km, 60 km. Nhà trường luôn động viên các cô kể cả về tinh thần lẫn vật chất để các giáo viên yên tâm công tác. Nhìn chung, đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, nhiệt tình, năng động, sáng tạo nên các phong trào hội thi của nhà trường tuy là vùng sâu vùng xa nhưng đi thi luôn đạt thành tích tốt”, thầy Võ Ngọc Huỳnh chia sẻ.
Những ngày lễ, tết không hoa, không quà nhưng các thầy cô giáo của Trường tiểu học La Văn Cầu không lấy đó làm buồn. Bởi sự lam lũ, ham học của bọn trẻ nơi đây giúp họ thêm niềm tin, động lực để tiếp tục ngọn lửa đam mê truyền đạt tri thức cho những trò nghèo vùng sâu.