Giấy phép con quái dị

Lê Anh Đức 24/05/2020 08:00

Hiện, nhiều doanh nghiệp không biết phải xoay sở như thế nào với quy định bắt buộc: Phải có xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài mới được phép xuất khẩu hàng hóa.

Mà muốn có được giấy xác nhận thì phải mất tới non một tháng để làm các thủ tục giấy tờ cần thiết, khiến doanh nghiệp vỡ hết kế hoạch, lỡ hẹn nhiều đơn hàng với đối tác dẫn đến mất uy tín, giảm sức cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực và trên thế giới. Doanh nghiệp không khỏi kêu trời vì loại giấy phép con quái dị này.

Tại Khoản 2, Điều 19b, Nghị định 74/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2008/NĐ-CP) quy định: Tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng mã số mã vạch nước ngoài theo chuẩn GS1 thì phải được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, hoặc chủ sở hữu mã số mã vạch ủy quyền sử dụng. Trong trường hợp được chủ sở hữu mã số mã vạch nước ngoài ủy quyền sử dụng thì phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được xác nhận việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài.

Nếu chỉ đơn giản có vậy thì các doanh nghiệp đã không phải than trời. Song, vấn đề ở chỗ: “Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” cấp giấy xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài ở đây chỉ có duy nhất một, đó là Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KH-CN). Điều đó có nghĩa, dù doanh nghiệp gì, ở bất cứ đâu cũng cứ phải đổ về Hà Nội để xin giấy xác nhận. Và tất nhiên việc phải về Thủ đô xin giấy xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài không dễ dàng gì.

Chưa kể đến sự nhiêu khê, “củ hành” của một số cán bộ, công chức có trách nhiệm cấp giấy xác nhận sử dụng mã số mã vạch cho doanh nghiệp. Chỉ nội việc phải “đắp chiếu” hàng hóa xuất khẩu để chờ đi xin giấy xác nhận cũng đã khiến doanh nghiệp “ốm ho” vì tiền lưu kho bãi, tiền lãi ngân hàng, mất uy tín với khách vì chậm giao hàng... Cứ tính sơ sơ theo đơn giá thực tế thì trong vòng 20-30 ngày làm thủ tục giấy tờ đã ngốn của doanh nghiệp bao nhiêu tiền lưu kho bãi, phát sinh bao nhiêu tiền lãi vay ngân hàng?

Vậy mà cũng chưa xong. Kể cả khi chấp nhận phát sinh thêm một “núi tiền” phải chi trả ngoài dự kiến, thì doanh nghiệp cũng vẫn phải “ngậm ngùi” ra về tay trắng vì không thể xin được giấy xác nhận sử dụng mã số mã vạch của cơ quan chức năng. Không xin được giấy xác nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu doanh nghiệp: Ngoài việc phải xuất trình thư ủy quyền sử dụng mã số mã vạch của chủ sở hữu (bản gốc), còn phải xuất trình xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận chủ sở hữu đó.

Một số doanh nghiệp nghe “phán” như vậy liền lập tức đi thực hiện mà không dám nửa lời oán thán. Song, khổ nỗi là các nước nhập khẩu hàng hóa làm gì có cái quy định oái oăm như ở ta nên đối tác cứ “ngớ hết cả người” ra chẳng hiểu mô tê gì. Và hệ lụy tất yếu là chỉ một vài doanh nghiệp có thể đáp ứng được, còn hầu hết đều botay.com, chào thua với loại giấy phép con quái dị này.

Chiếu theo quy định tại Nghị định 74 thì đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài vì không thể có được giấy xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài. Nhiều người đặt câu hỏi: Nước ngoài tiêu thụ hàng hóa của ta mà họ không cần yêu cầu ủy quyền sử dụng mã số mã vạch thì tại sao Việt Nam lại “đẻ” ra quy định đó để làm gì? Hơn nữa, mã số mã vạch cũng đâu phải để kiểm soát chất lượng, nó chỉ có giá trị truy xuất nguồn gốc hàng hóa mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giấy phép con quái dị