Nhằm bảo tồn giá trị của làng cổ, cuối tuần qua tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu Di sản làng Việt đã phối hợp cùng với người dân làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) tổ chức tọa đàm nhằm chia sẻ các góc nhìn về giá trị di sản của làng. Từ đó có những đóng góp cho việc gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản trong quá trình phát triển xây dựng nông thôn mới.
Chùa Keo.
Ngôi làng có kiến trúc đặc biệt nhất Việt Nam
Không ít người cũng đã biết đến làng Hành Thiện với hình thái đặc biệt hình con cá. Tuy nhiên còn có ý kiến cho rằng đó chỉ là sự ngẫu nhiên trong quá trình hình thành phát triển làng.
PGS TS Phạm Hùng Cường khẳng định: đây là ngôi làng đã được nghiên cứu quy hoạch, thiết kế hoàn chỉnh về cả hình thái không gian, giao thông hạ tầng hoàn chỉnh nhất từ 500 năm trước với sự tính toán kỹ lưỡng chứ không hề có sự ngẫu nhiên hay là kết quả của trí tưởng tượng nào.
Theo đó, về hình thái tổng thể, không phải chỉ là hình ảnh tượng trưng, mà làng thực sự có hình thái của một con cá, được tạo hình rõ nét bởi con sông đào bao bọc khép kín làng.
Đầu cá là chợ, mắt cá là giếng làng, thân cá là khu dân cư, đuôi cá là nghĩa địa và cánh đồng, bến nước tạo thành các vây cá. Một hình thái của con cá hoàn chỉnh và sống động, cá như đang quẫy đuôi tung mình ra Biển Đông.
Đúng như hình ảnh “cá vượt vũ môn” ta vẫn thường thấy trong tranh dân gian. Làng Hành Thiện còn là một ngôi làng độc đáo bởi không bảo vệ bằng lũy tre mà toàn bộ bằng sông đào, tạo thành hệ thống giao thông thủy 2 chiều thông ra sông lớn với nhiều bến nước.
Trải qua hơn 500 năm lịch sử , cấu trúc của ngôi làng vẫn còn như nguyên vẹn. Giờ đây ngôi làng có cảnh vật vừa cổ kính, vừa hiện đại nhưng vẫn toát lên một không gian yên bình và thân thiện.
Bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối
Tại tọa đàm “Nhận diện các giá trị di sản kiến trúc, quy hoạch làng Hành Thiện - Từ góc nhìn chuyên môn và cộng đồng” được tổ chức tại Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, vấn đề được đưa ra là việc bảo tồn di sản làng xã truyền thống cần được nhìn nhận trên quan điểm: bảo tồn giá trị hệ thống hơn là những giá trị đơn lẻ, của những thành tố đơn lẻ; bảo tồn đồng thời theo phương pháp bảo tồn di tích và bảo tồn thích ứng.
Trong đó bảo tồn thích ứng là bảo tồn các di sản mà giá trị vật thể và giá trị tinh thần của di sản được kế thừa, được hoàn thiện trong quá trình phát triển.
Các giá trị di sản làng xã được hình thành trong một môi trường sống cộng đồng, do chính lớp lớp các thế hệ của cộng đồng dân cư đó tạo nên, vì vậy cộng đồng dân cư có vai trò quyết định trong việc bảo tồn cũng như kế thừa được các giá trị di sản.
Theo GS Hoàng Đặng Kính: “Làng Hành Thiện là hiện thân của đỉnh cao của một vùng đất văn hiến, vùng đất truyền thống. Nó có đầy đủ các giá trị văn hóa. Tôi nghĩ rằng là có thể nên nghiên cứu toàn diện, phối hợp với các bộ môn khác để nghiên cứu cả phần cứng và phần mềm. Làng Hành Thiện phải được bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối”.
Theo phân tích này, cần thay đổi phương pháp tiếp cận bảo tồn. Phương pháp bảo tồn thích ứng có sự tham gia của cộng đồng là một trong những hướng tiếp cận mới bên cạnh phương thức bảo tồn truyền thống rất cần được nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn.
Với hàng vạn các thành tố di sản bé nhỏ trong làng xã như cổng nhà, cầu, quán, điếm, miếu, lũy tre, ao làng, cổng ngõ, cổng nhà, do người dân và cộng đồng đang trực tiếp sử dụng…, dù rất muốn thì nhà nước cũng không thể quản lý và chi trả cho bảo tồn trùng tu tôn tạo như một di tích cho tất cả. Chỉ khi cộng đồng nhận thức được rõ giá trị và có ý thức gìn giữ, có hành động bảo vệ trực tiếp thì mới có thể giữ được.
Bảo tồn thích ứng cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn và cộng đồng. Các nhà chuyên môn là người giúp cộng đồng nhận diện rõ các giá trị di sản và đưa ra các giải pháp bảo tồn thích ứng.
Cộng động nhận thức được giá trị và tiến hành công tác bảo tồn trên cơ sở tư vấn của các nhà chuyên môn tùy theo các điều kiện của địa phương.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số hoạt động cụ thể như tôn tạo cảnh quan tuyến ven sông, cải tạo lại cầu (để lễ hội đua thuyền không bị vướng mắc), làm trong nước giếng Mắt cá, trồng tre, cải tạo mom cá, bến nước, gìn giữ nhà cổ, cổng, cảnh quan ngoài làng (đồng ruộng), phát triển du lịch văn hóa làng.
Làng Hành Thiện có lịch sử hình thành lâu đời, đến nay đã hơn 500 năm, với nhiều di sản quý giá. Không chỉ là những công trình kiến trúc đã được biết đến như chùa Keo, chùa Đĩnh Lan, đình làng, miếu Tam giáp, giếng Mắt cá, nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh… làng còn có giá trị đặc sắc về hình thái và cấu trúc quy hoạch, tổ chức không gian làng. Ngôi làng có hình con cá hóa rồng, quẫy mình vươn ra biển với hệ thống đường dong, hướng nhà, kênh mương bố trí hợp lý, đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài học quý về các tổ chức không gian sống bền vững của cộng đồng. |