Tinh hoa Việt

Gìn giữ những mái nhà xưa

HẢI ĐĂNG 05/11/2024 13:31

Trong không gian trầm mặc của những ngôi nhà cổ giữa những vùng quê miền Đông Nam Bộ, có cảm giác như được chạm vào một miền ký ức. Hàng trăm năm đã trôi qua, nhiều lớp người trong những ngôi nhà xưa đã không còn nữa nhưng nhà cổ vẫn còn đó nét đẹp dân gian và những câu chuyện ấm áp tình người.

Ảnh 1-Gìn giữ những mái nhà xưa
Một ngôi nhà cổ được người dân TT. Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gìn giữ.

Bao nhiêu cũng không bán

Đã có biết bao người mê thú chơi nhà cổ trong cuộc sống hiện đại, lần đến hỏi mua lại ngôi nhà chỉ để “chơi ngông” hoặc đem về xây resort nhưng người chủ tuyệt nhiên từ chối. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Hồng, chủ nhân hiện tại của ngôi nhà cổ tại khu phố Thanh Long, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Gạt các thứ bao bì thu hoạch thóc lúa, ông Hồng lau mồ hôi, khoác vội chiếc áo mỏng và đón chúng tôi vào trà nước trên bộ phản gỗ lim láng bóng. Ông Hồng cho biết, ông là đời thứ 5 sống trong ngôi nhà này. Ngôi nhà được cất từ năm 1922 nhưng những nét chạm trổ tinh xảo trên gỗ, kèo, vì… vẫn còn sắc sảo. Bộ phản gỗ lim, cặp trường kỷ, bức hoành phi là dấu tích của một thời hào phú còn lưu lại và giữ gìn cẩn trọng trong ngôi nhà này. Bởi nét tinh hoa đó mà đoàn làm phim lịch sử về nữ anh hùng Võ Thị Sáu từng chọn nhà ông Hồng để dựng cảnh “Nhà của ông Hội đồng”. Vì vậy, ông Hồng chỉ cất thêm nhà mới để ở chứ không phá bỏ, lại càng không bán ngôi nhà với bất cứ giá nào. Ngôi nhà được gìn giữ cẩn thận nên 5 tủ thờ xà cừ, các bộ bàn ghế băng dài và cả tủ sách chữ Hán vẫn còn nguyên vẹn. Có đôi chỗ mái ngói bị thấm dột, ông Hồng đi lùng mua bằng được ngói móc để dặm vào. Hai bên vách nhà, mối mọt có làm hư hao chút ít, ông định khi nào có tiền thì mua gỗ tốt thay thế nhưng tuyệt đối không làm mất đi nét cổ xưa của ngôi nhà hương hỏa này.

Cũng ở khu phố Thanh Long, thị trấn Đất Đỏ, nhà ông Bùi Văn Sâm có tuổi đời gần 1 thế kỷ. Để vào được nhà ông, khách phải đi qua một khu vườn với nhiều loại cây ăn trái, cây cảnh, tre trúc, rồi cả cỏ hoang, rau dại… Cũng như tinh thần của ông Hồng, ông Sâm chấp nhận sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo khó chứ cương quyết không bán nhà, dẫu số tiền bán nhà đủ cho ông sống sung túc cả quãng đời còn lại. Nhiều người nói ông gàn, nhưng ông có lý lẽ của riêng mình. Ông không bán bởi cho rằng, “bán nhà của tổ tiên tức là bán tổ tiên, như vậy sẽ mất phúc.”.

Khi đứng trước không gian thờ trầm ấm, âm u, thênh thang trong ngôi nhà được xây dựng từ năm 1890 của gia đình ông Huỳnh Trọng Nghĩa (khu phố Phước Sơn, thị trấn Đất Đỏ), chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn những điều như ông Hồng, ông Sâm bày tỏ. Ngôi nhà cổ kính của ông Nghĩa trải qua ba thế hệ nằm giữa khu vườn rộng cả ngàn mét vuông với nội thất lộng lẫy: liễn đối hoành phi sơn son thiếp vàng, tủ thờ cẩn xà cừ, sập gụ hai lát, bàn ghế bát tiên vừa kiểu Hoa chạm khắc công phu, vừa có cả kiểu Louis XVI. Phong cách kiến trúc chữ đinh với ba gian thờ được trạm trổ công phu, phần nào nói lên sự quyền quý của chủ nhân tại thời điểm tạo dựng nên nó.

Cũng kiến trúc hình tượng chữ đinh như nhà ông Huỳnh Trọng Nghĩa, nhưng bên cạnh gian thờ ngôi nhà xưa của gia đình ông giáo Lê Văn Còn (khu phố Phước Trung) do “ông cố ông cha lập ra” cách nay ngót thế kỷ có thêm gian chờ nằm song song gọi là thảo bạc, để khách ngồi uống trà hoặc đánh bài giải trí… trong những dịp tết lễ. Kiểu nhà này gọi tượng hình là nhà chữ công, nếu thêm hàng bao lơn vây quanh như đình chùa thì gọi là nội công ngoại quốc. Ông Còn cho biết, giờ có tiền chưa chắc đã cất được ngôi nhà như vậy nên ông không bán đi với bất cứ giá nào.

Ảnh 2-Gìn giữ những mái nhà xưa
Người dân chăm sóc cây bon sai trước ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Không chỉ bằng tấm lòng

Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 177 kiến trúc cổ dân gian, mà đa số nằm trên địa bàn huyện Đất Đỏ. Trong đó, 46 nhà có niên đại xây dựng trước năm 1900, 86 nhà xây dựng từ năm 1900 đến 1950, số còn lại xây dựng sau năm 1950. Đây là vốn kiến trúc cổ dân gian có giá trị rất lớn về mặt biểu tượng văn hóa.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quá trình đô thị hoá trong những năm gần đây, các công trình kiến trúc cổ đang có nguy cơ bị mất dần. Để có phương án bảo tồn nhà cổ dân gian, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Trung tâm kiến trúc miền Nam thực hiện đề tài “Điều tra khảo sát bảo tồn kiến trúc cổ dân gian tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”. Những người thực hiện đề tài đã đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc cổ dân gian, gồm: Chính sách bảo tồn và phát huy, tuyên truyền giáo dục về các giá trị kiến trúc cổ dân gian, xây dựng các công viên bảo tồn kiến trúc cổ, xây dựng các khu nhà ở theo mốt kiến trúc cổ. Bên cạnh đó, các công ty du lịch có thể liên kết với địa phương có nhiều kiến trúc cổ để tổ chức các tour du lịch văn hoá, góp phần bảo tồn phát huy giá trị của những “mái nhà xưa” trong đời sống hiện tại.Tuy nhiên đến nay đề tài vẫn chưa thực hiện được do không có kinh phí.

Làm thế nào để bảo tồn và giữ gìn những ngôi nhà cổ xưa với nét văn hóa truyền thống dân gian còn lưu lại? Đó là trách nhiệm không chỉ của cá nhân những người sở hữu mà của toàn xã hội. Thời gian không chờ một ai, và biện pháp bảo quản thì không đơn giản chỉ là bằng… tấm lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gìn giữ những mái nhà xưa