Thế giới trong tương lai được dự đoán sẽ đón nhận nhiều đợt nóng, tình trạng lan nhanh của một số dịch bệnh truyền nhiễm và khủng hoảng lương thực… tất cả đều bắt nguồn từ biến đổi khí hậu và có thể gây nên tình trạng chết sớm ở con người, theo báo cáo mới tại cuộc họp Khí hậu & Sức khỏe tại Atlanta, Mỹ mới đây.
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân làm gia tăng trường hợp chết sớm ở người trong những năm gần đây. (Nguồn: Washington Post).
Được biết, sự kiện có sự tham gia của Hiệp hội Y tế Mỹ cùng hơn 50 tổ chức đại diện cho giới khoa học, giới lập pháp và các nhà hoạt động vì môi trường.
Cuộc họp này được tổ chức nhằm thay thế cho Hội thảo Biến đổi Khí hậu mà Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) tổ chức đã bị hoãn lại hồi tháng 1 vừa qua.
Cuộc họp về vấn đề biến đổi khí hậu này đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng trước, tuy nhiên nó vẫn cho phép giới chuyên gia đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về sức khỏe con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong khoảng thời gian từ 2013-2050, biến đổi khí hậu được dự báo sẽ gây thêm khoảng 250.000 trường hợp tử vong mỗi năm, chủ yếu do tình trạng sốc nhiệt, suy dinh dưỡng và sự lây lan của các loại bệnh dịch như sốt rét.
“Các sự kiện thời tiết cực đoan đã được thống kê và rõ ràng là đang tăng dần” - Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore nói trong bài phát biểu trước cuộc họp tổ chức hôm 16/2 - “Như tôi đã nói trong các sự kiện trước đây, chúng ta ngày càng được chứng kiến nhiều hơn những sự kiện này”.
Trong hội nghị vừa qua, đại đa số các nhà khoa học về khí hậu - 97% - đều nhất trí rằng biến đổi khí hậu là một tình trạng đang diễn biến nguy hiểm mà nguyên nhân chính là sự ô nhiễm mà con người gây nên. Dù một số nhà khoa học đặt ra câu hỏi về độ chính xác của các con số thống kê người chết do biến đổi khí hậu, nhưng phần lớn đều cho rằng con số này sẽ còn gia tăng.
Nắng nóng đe dọa sức khỏe
Được biết, trong số các nguyên nhân gây chết người liên quan tới biến đổi khí hậu, thì “Stress nhiệt” được cho là gây ra phần lớn các trường hợp tử vong ở nước Mỹ, ông Al Gore cho hay. “Các trường hợp tử vong gia tăng trung bình khoảng 4% trong các thời điểm xuất hiện đợt nóng” - ông Al Gore cho hay.
Dữ liệu mà Cục Thống kê Rủi ro tự nhiên công bố cho thấy nhiệt độ cao gây nên phần lớn các trường hợp tử vong do thời tiết trong khoảng thời gian từ 1986-2015 và từ 2006-2015. Trong đó, tình trạng lũ lụt lại gây nên con số người chết do thời tiết cao nhất chỉ tính riêng trong năm 2015.
Con số người chết sớm do thời tiết nóng bức cũng đã tăng thêm hàng chục nghìn trong mùa hè các năm, theo đánh giá được công bố bởi Chương trình Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu Mỹ. Năm ngoái được ghi nhận là năm nóng nhất mà thế giới từng chứng kiến kể từ những năm 1880 đến nay.
“Đang có một xu hướng nóng lên rất rõ rệt, và điều đó đe dọa tới sức khỏe của con người. Trái đất ấm lên là bởi sự tập trung của các loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Tốc độ ấm lên trong 30 năm vừa qua là nhanh đột biến và chưa từng thấy trong suốt 1.000 năm qua” - Kim Knowlton, nhà khoa học kỳ cựu thuộc Hội đồng Bảo vệ các Nguồn lực Tự nhiên Mỹ, cho hay.
Theo vị chuyên gia này, các đợt nắng nóng, những sự kiện thời tiết cực đoan có thể kéo dài trong vài ngày, là nguyên nhân số 1 gây nên các trường hợp tử vong do thời tiết ở nước Mỹ tính trong vòng 30 năm qua; tức còn hơn cả các cơn lốc xoáy, lũ lụt hay sét đánh…
Bệnh dịch, nạn đói hoành hành
Bên cạnh các đợt nóng, sự lây lan của các loại bệnh truyền nhiễm cũng gây rủi ro xuất hiện thêm nhiều ca tử vong, và nhiệt độ cao cũng giúp cho các bệnh dịch này lan nhanh hơn.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí chuyên về môi trường Environment International năm ngoái, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng tới các bệnh truyền nhiễm, thông qua vật chủ hay bằng cách tạo nên các điều kiện thuận lợi để lây nhiễm. Báo cáo này đã vạch ra mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe con người trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2015.
Khí hậu ấm và ẩm ướt hơn là điều kiện lý tưởng để các loài muỗi mang bệnh truyền nhiễm sinh sôi nảy nở, thúc đẩy nhanh quá trình lây lan của các loại bệnh dịch này. Đó chính là trường hợp của đại dịch virus Zika mới đây. Dù có nhiều nhân tố khiến virus Zika lan rộng, nhưng sự biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân khiến muỗi mang loại virus này sinh sôi nhanh chóng, theo CDC.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu cũng gây ảnh hưởng tới mùa màng, cây cối. Các sự kiện thời tiết cực đoan, từ nắng nóng cho tới lũ lụt, đều có thể xóa sạch mùa màng, gây ra nạn đói, trong khi mật độ tập trung khí CO2 cao cũng ảnh hưởng tới các loại thực phẩm mà con người tiêu thụ.