Nếu như trước kia, chỉ những thí sinh xét tuyển vào các trường ngoại ngữ mới quan tâm tới việc học ngoại ngữ cho tốt, thì giờ đây nhiều trường ĐH đã thay đổi phương thức tuyển sinh.
Theo đó, bất kể ngành học gì, miễn là giỏi ngoại ngữ, có bằng và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thì thí sinh đó sẽ được ưu tiên - dù kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể thấp hơn những bạn khác.
Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH đã rục rịch công bố đề án tuyển sinh 2021, được biết các trường đang có xu hướng tập trung tuyển chọn thí sinh giỏi ngoại ngữ. Trong đó, phổ biến nhất là ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như: IELTS, SAT, A-Level…
Theo thống kê của Bộ GDĐT các năm qua cho thấy tỉ lệ thí sinh sử dụng các tổ hợp môn tiếng Anh để xét tuyển chưa nhiều. Phổ điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thấp so với mặt bằng chung. Nhưng vài năm gần đây các trường ĐH vẫn có xu hướng tăng cường môn ngoại ngữ trong các tổ hợp xét tuyển. Các tổ hợp chứa môn ngoại ngữ dần thay thế các môn khác với mục tiêu tuyển được người học có kỹ năng ngoại ngữ tốt ngay từ đầu vào.
Ngoài ra một số trường ĐH yêu cầu sinh viên trúng tuyển phải đạt trình độ tiếng Anh nhất định đủ để theo học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh. Bởi sinh viên cần rất nhiều kỹ năng tiếng Anh chuyên sâu để trực tiếp nghiên cứu và phát triển chuyên môn. Việc chú trọng năng lực ngoại ngữ của người học trước hết nhằm tăng chất lượng tuyển sinh đầu vào, chất lượng đào tạo nói chung, năng lực ngoại ngữ nói riêng cho người học ĐH trong bối cảnh mới.
Ghi nhận từ mùa tuyển sinh 2018 cũng cho thấy, cùng với phương thức xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, việc tăng cường môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển nhằm hướng đến mục tiêu ưu tiên người có ưu thế ngoại ngữ hơn trong số các thí sinh cùng năng lực. Đại diện các trường cho biết, sinh viên vào trường cần đọc được tài liệu bằng tiếng Anh, khi tốt nghiệp, sinh viên giỏi ngoại ngữ ra trường cơ hội việc làm cũng dễ dàng hơn.
Trên thực tế, đa phần ứng viên giỏi ngoại ngữ thường tìm được việc làm có mức thu nhập cao hơn ứng viên không biết ngoại ngữ từ 30%-50%. Ngoài ra, so với nhóm ứng viên không biết ngoại ngữ, cơ hội phát triển nghề nghiệp, việc thăng chức, thăng cấp quản lý của ứng viên biết ngoại ngữ nhiều hơn, mất ít thời gian hơn.
Hiện nay, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh vẫn là điểm yếu của số đông sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp. Khảo sát đối với lao động mới ra trường cho thấy chỉ có 5% lao động tự tin về khả năng tiếng Anh, có đến 27% thừa nhận khả năng ngoại ngữ của họ rất kém. Vì thế, hàng năm, lượng sinh viên ra trường chật vật tìm việc làm vì năng lực tiếng Anh không đảm bảo đang chiếm số lượng không nhỏ. Tiếng Anh kém cũng là rào cản làm cho nhân sự Việt thiếu tự tin trên tiến trình hội nhập.
Đánh giá từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), so với các quốc gia ASEAN, trình độ tiếng Anh của Việt Nam hiện đứng sau Singapore, Malaysia, Philippines và Brunei. Đội ngũ nhân sự đến từ các quốc gia trên sẽ chiếm ưu thế nhờ khả năng tiếng Anh tốt và phong cách làm việc quốc tế. Thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam, nếu không trang bị cho mình vốn tiếng Anh tốt, nhiều bạn trẻ có khả năng thua trên sân nhà.
Đại diện các trường tuyển sinh ĐH bằng chứng chỉ tiếng Anh cho hay, hiện chuẩn tiếng Anh đầu ra của một số trường đang ở mức 5.0 IELTS, nhưng sắp tới có thể tiếp tục nâng lên. Trước những ưu thế của việc thông thạo tiếng Anh, trong tương lai sẽ có nhiều trường ĐH thực hiện ưu tiên xét tuyển thí sinh đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.