Thông tư 26 của Bộ GDĐT đã bổ sung môn Ngoại ngữ trở thành một trong những môn điều kiện để xếp loại học sinh (HS). Quy định này nhằm khuyến khích, tạo động lực cho HS và các nhà trường quan tâm đúng mức cho môn Ngoại ngữ.
Nâng tầm môn Ngoại ngữ
TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết trong các kỳ thi, như thi tốt nghiệp THPT hay thi vào lớp 10 của nhiều địa phương hiện nay, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đều là 3 môn thi bắt buộc. Bộ GDĐT đưa thêm môn học này thành điều kiện trong xếp loại để khẳng định tầm quan trọng của môn học Ngoại ngữ trong nhà trường nói riêng không khác gì Toán, Ngữ văn. Môn học này cũng sẽ theo suốt mỗi học sinh trong quá trình học đại học hoặc cao đẳng nghề sau này, thậm chí nhiều công việc hiện nay cũng đòi hỏi năng lực ngoại ngữ của ứng cử viên khi tuyển dụng nên ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc cần quan tâm.
Cụ thể, Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và HS THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT có hiệu lực từ ngày 11/10.
Theo đó, HS được xếp loại học lực giỏi với điều kiện điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 8,0 trở lên; riêng đối với HS lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên; HS không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5...
Tương tự, HS xếp loại học lực khá, nếu có đủ các tiêu chuẩn điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 6,5 trở lên; riêng đối với HS lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 6,5 trở lên; Không có môn học nào điểm trung bình dưới 5,0...
Nhìn nhận việc đưa môn Ngoại ngữ vào vị trí tương xứng với môn Toán, Ngữ văn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (quận Cầu Giấy) Vũ Ngọc Hảo cho rằng việc đẩy mạnh việc phát triển năng lực ngoại ngữ cho HS phổ thông là cần thiết. Ngoài lớp 1,2, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 hiện nay. Tuy nhiên, trong các kỳ thi tốt nghiệp hoặc thi vào lớp 10 ở các địa phương, phổ điểm thi môn Ngoại ngữ luôn khiến những người quan tâm đến giáo dục nước nhà nói riêng và xã hội nói chung băn khoăn khi đây là môn thuộc top có điểm thi thấp nhất cùng với Lịch sử. Cải thiện năng lực ngoại ngữ của HS là bài toán quan trọng cần tìm lời giải.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương cho rằng cần có thêm cơ chế khuyến khích đối với các giáo viên Ngoại ngữ khi thống kê hiện nay của nhiều địa phương cho thấy rất khó tuyển được giáo viên Ngoại ngữ đạt tiêu chuẩn. Giữ chân những giáo viên này càng khó hơn. Nhất là ở các vùng nông thôn, giáo viên Ngoại ngữ đạt chuẩn vẫn chưa nhiều nên cũng là rào cản để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho HS.
Áp dụng đánh giá trên máy tính
Một trong những nội dung quan trọng khác của Thông tư 26 đó là lần đầu tiên hình thức kiểm tra viết được cho phép thực hiện trên máy tính. Tiến sĩ Sái Công Hồng cho rằng, điều này nhằm tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin trong giảng dạy nói chung và hoạt động kiểm tra, đánh giá nói riêng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá hợp lý, sẽ đẩy mạnh hoạt động đánh giá vì sự tiến bộ của HS và đặc biệt phát triển rất tốt năng lực tự học của người học. Đây sẽ là tiền đề cho các địa phương, các nhà trường đủ điều kiện trong tương lai có thể tổ chức đánh giá HS trên máy tính.
“Tuy nhiên, hoạt động này chỉ nên thực hiện ở những trường bảo đảm đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Do đó, việc áp dụng Thông tư này cần linh hoạt, không cứng nhắc khi sử dụng phương thức tổ chức bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ trên máy tính”-TS Sái Công Hồng lưu ý.
Trên thực tế, việc áp dụng công nghệ trong dạy và học hiện nay đã được nhiều nhà trường triển khai. Đặc biệt trong đợt nghỉ học vì dịch bệnh vừa qua, các hình thức dạy học online, kiểm tra bài qua mạng của giáo viên và HS nhiều nơi khá nhuần nhuyễn.
Quy định này giúp tạo ra hướng mở và đa dạng trong việc kiểm tra đánh giá của giáo viên với các hình thức khác nhau khiến việc học không nhàm chán. Bởi với nhiều HS hiện nay, việc sử dụng thành thạo các công cụ máy tính, điện thoại thông minh và học tập với các ứng dụng trên mạng là một phần không thể thiếu, nhất là trong quá trình tự học ở nhà. Nay những điều này được áp dụng trên lớp sẽ đem lại những thay đổi thú vị cho việc học. Đồng thời cũng là những kỹ năng cần thiết trong tương lai khi đi học đại học, cao đẳng hay đi làm nên rất cần được khuyến khích và tạo điều kiện thực hành khi học phổ thông.