Việc công bố danh sách hồ, ao không được san lấp của Hà Nội sau không ít kiến nghị của giới chuyên gia và người dân, nhằm mạnh tay hơn với thực tế “bóp nghẹt” hồ, ao tràn lan diễn ra trên địa bàn nhiều năm qua.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp nhằm siết chặt quản lý, công khai để người dân thực hiện, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp đến các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố theo quy định.
Thành phố cũng cho biết, thời gian qua, ao hồ Hà Nội bị san lấp với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Gần đây nhất là vụ tự ý san lấp hồ Quảng Bá tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ.
Từ thực trạng đó, UBND các quận, huyện, thị xã thông báo, phổ biến nội dung quyết định này đến UBND các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố và các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thuộc danh mục hồ, ao đầm không được san lấp trên địa bàn để biết và triển khai thực hiện. Các đơn vị kiểm tra, rà soát, đối chiếu danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp với quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt để tổng hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm thống nhất; kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm, sử dụng không đúng mục đích. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm cần xây dựng kế hoạch quản lý, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ và bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm kịp thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, việc công bố danh sách hồ, ao không được san lấp của Hà Nội sau không ít kiến nghị của giới chuyên gia và người dân, nhằm mạnh tay hơn với thực tế “bóp nghẹt” hồ, ao tràn lan diễn ra trên địa bàn nhiều năm qua. Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với khoảng 122 hồ nội thành, 13 con sông chảy qua. Giai đoạn từ 2015 - 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm tới hơn 203 ha bởi có tới 65% ao hồ bị san lấp, bị bức tử, xóa sổ.
Hàng loạt hồ tự nhiên dần "chết yểu" do thiếu nước, không có dòng chảy, khả năng tự làm sạch giảm... thì những năm qua, nhiều hồ tự nhiên đứng trước nguy cơ bị san lấp trong quá trình đô thị hóa. Có thể dẫn chứng một số trường hợp như hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House) với diện tích khoảng 31.687,936 m2. Hồ nước gần khu vực bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (cũ) sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án xây dựng KĐT Tân Hoàng Mai tại quận Hoàng Mai với diện tích khoảng 50.361,210m2. Một phần hồ Thanh Trì cũng sẽ được thu hồi, san lấp để làm nhà ở với diện tích khoảng 3.611,697 m2. Khu vực hồ nước trong ngõ 419 Lĩnh Nam cũng đã được đưa vào kế hoạch thu hồi một phần, san lấp xây dựng dự án nhà ở với diện tích khoảng 9.954,277 m2. Hồ nước cạnh chung cư 79 Thanh Đàm được đưa vào kế hoạch sử dụng để làm đường đi giữa tòa chung cư và trường THCS Thanh Trì. Phần hồ nước bị lấp có diện tích khoảng 14.271,339 m2...
Và hệ luỵ của diện tích ao hồ bị thu hẹp là tình trạng ngập úng lan rộng mỗi mùa mưa đến. KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ, với địa hình nhiều sông, đầm, hồ, từ sau những năm 70 của thế kỷ trước, Hà Nội đã xây dựng lại những khu nhà mới với cách thức rất thông minh. Ví dụ như hồ Giảng Võ, các kiến trúc sư đã lựa chọn phương án đào hồ ở giữa, rồi lấy đất làm nền cho khu nhà ở Giảng Võ. Như vậy, bản thân hồ vừa được đào sâu hơn, lại tích trữ nhiều nước hơn. Hồ Linh Quang, hồ Văn Chương cũng áp dụng cách thức tương tự. Nhưng đến thời kỳ mở cửa, các phương tiện máy móc, cơ giới phát triển, việc san lấp hồ diễn ra quá mức. Một thống kê cho thấy khoảng 80% diện tích mặt nước, bao gồm những mặt nước hồ, ao và phần bán ngập (khu vực bình thường chỉ là vùng trũng, khi mưa sẽ ngập nước) đã bị san lấp. Sau này, khi Hà Nội mở rộng nội thành, rất nhiều vùng trũng đã được san lấp. Những khu đô thị mới từ Linh Đàm đến Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy phần lớn là xây dựng dựa trên lấp ruộng trũng, các dự án đào hồ mới chậm tiến độ, tình trạng ngập úng vì vậy ngày càng nghiêm trọng.
Cũng có ý kiến cho rằng, ao hồ, kênh rạch, sông ngòi ở đô thị bị lấn chiếm là chỉ báo quan trọng về sự bất cập trong quản lý cũng như sự gia tăng dân số một cách chóng mặt. Sự lấn chiếm ao hồ cũng cho thấy con người nơi đây đang tự phá bỏ đi những gì quý giá của thiên nhiên dành cho để đánh đổi sinh kế của mình. Cái giá về lâu dài là quá đắt và họ chính là những người đón nhận ảnh hưởng đầu tiên như ngập lụt, ô nhiễm và dịch bệnh.
Sự sụt giảm của diện tích ao hồ đô thị cho thấy người dân đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ do chính mình gây ra. Tuy nhiên, điều này cũng nói lên một hiện thực khác là những khoảng xanh ở đô thị sẽ biến mất nếu như không có sự bảo vệ can thiệp kịp thời của chính quyền. Tất nhiên, việc bảo vệ ao hồ hiện nay, không chỉ có chính quyền là đủ, cần có sự giám sát chặt chẽ của người dân cùng các đoàn thể chính trị và những chế tài đủ mạnh.