Dù đang dôi dư hơn 5.700 công chức, viên chức so với chỉ tiêu giảm biên chế được Trung ương giao, thế nhưng TP Hồ Chí Minh lại đang gặp phải tình trạng quá tải hồ sơ hành chính, dẫn tới cán bộ, công chức xin nghỉ việc ngày càng tăng.
Công việc “ngập đầu”, cơ sở than phiền
Huyện Bình Chánh là địa phương ngoại thành có số dân cao hàng đầu tại TP HCM, với dân số vào khoảng hơn 800.000 dân, chưa kể di dân và đối tượng tạm trú. Theo lãnh đạo huyện, chỉ riêng tại hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B đã tập trung từ 150.000-170.000 dân khiến biên chế trung bình một cán bộ địa chính phải quản lý tới 35.000-40.000 dân, chưa kể số cán bộ không chuyên trách vừa thiếu, vừa không đủ người để quản lý một địa bàn rộng, đông dân cư.
Bà Lại Thị Bích Trâm - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) cho biết, các cán bộ, công chức cấp xã thường xuyên làm thêm việc, thêm giờ để giải quyết khối lượng công việc rất lớn ở cơ sở. Trong đó, hầu hết cán bộ, công chức phải làm việc đến 20 giờ tối, thậm chí làm thêm đến 22 giờ, kể cả thứ bảy và chủ nhật.
Ở xã Vĩnh Lộc B, một cán bộ Hội Phụ nữ xã cũng cho biết có nhân sự phải quản lý một địa bàn khoảng gần 6.500 người, nhiều hơn gấp 7 lần một cấp cơ sở tương đương. Đây là một áp lực đối với nhiều cán bộ, công chức, viên chức cấp xã.
Điều đáng nói, nếu gộp chung cả hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B hiện cũng chỉ được bố trí 4 công chức địa chính. Nếu chia bình quân trên tổng số dân của 2 xã này thì mỗi cán bộ địa chính quản lý 35.000-40.000 dân. Việc quản lý địa bàn rộng, dân cư đông khiến một công chức cấp phường/xã có nơi đảm đương tới 30 đầu việc, cùng nhiều các công việc không tên khác.
Áp lực do khối lượng công việc lớn, nhiều cán bộ, công chức cấp xã/phường tại TP HCM nộp đơn xin nghỉ việc. Có nơi, người đứng đầu cấp cơ sở cũng xin nghỉ khiến công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử trường hợp TP Thủ Đức sau 1,5 năm sáp nhập, đã gặp xáo trộn ở hầu hết các phòng ban và chính quyền cấp phường. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, ông Hoàng Tùng cho biết, khối lượng công việc tăng lên gấp ba nhưng 30% công chức, viên chức của các quận cũ sau khi sáp nhập đều bị cắt giảm khiến thành phố gặp nhiều khó khăn để phân bổ, bố trí phù hợp.
Tại phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch phường phản ánh, việc phải quản lý số dân vượt hơn 100.000 dân trong khi biên chế chỉ có 34 cán bộ, công chức là rất khó khăn cho cơ sở, hầu hết phải làm việc quá tải. Tại phường Hiệp Bình Chánh mới đây cũng có một Phó Chủ tịch phường xin nghỉ việc.
Cần cơ chế đặc thù, không “cào bằng”
Trước áp lực rất lớn do cán bộ, công chức nghỉ việc gia tăng, mới đây UBND TP Thủ Đức đã kiến nghị UBND TP HCM và Bộ Nội vụ tìm giải pháp tháo gỡ cho thành phố, trong đó cho phép được áp dụng biên chế công chức, viên chức theo hướng giữ nguyên số lượng nhân sự tại thời điểm sáp nhập ba quận cho tới năm 2026.
Đồng thời, để giải quyết các khối lượng công việc tồn đọng, quá tải cho cấp phường, UBND TP Thủ Đức kiến nghị được xem xét tăng biên chế áp dụng theo Nghị định 33 để bố trí từ 15 người lên 17 người cho UBND các phường trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM kiêm Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức cho biết, việc bố trí cán bộ, công chức cho TP Thủ Đức là rất cấp thiết.
Hiện nay, xét về hầu hết các chỉ tiêu và tiềm lực về kinh tế - xã hội thì TP Thủ Đức đóng vai trò là khu vực dẫn dắt kinh tế TP HCM, với các chỉ tiêu đến năm 2035 đạt tỷ trọng GDP đóng góp 1/3 GRDP của TP HCM và 7% GDP cả nước. Có nhiều thời điểm, đóng góp của TP Thủ Đức chỉ đứng sau GRDP của Hà Nội, thậm chí lớn hơn cả Bình Dương, Đồng Nai.
Trong khi TP Thủ Đức xin thêm biên chế cán bộ, công chức để đáp ứng khối lượng công việc tồn đọng và ngày càng quá tải hiện nay, nhiều quận, huyện xin áp dụng cơ chế đặc thù để giải quyết các phát sinh về công tác này.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, dân số quận này hiện vào khoảng 800.000 người nhưng cũng chỉ có 10 đơn vị hành chính cấp phường để quản lý với số lượng cán bộ, công chức hạn chế, dẫn đến quá tải công việc. Vừa qua, quận đã nghiên cứu việc chia tách đơn vị hành chính cấp và chia tách đơn vị cấp khu phố nhằm giảm áp lực cho quản lý nhà nước ở cơ sở.
Dù vậy, chính ông Nhựt cũng cho biết địa phương chưa đủ tiêu chí để đề xuất giải pháp này, trong khi các nghị quyết của Quốc hội về chia tách phường hiện nay cũng quy định phải đảm bảo cả hai chỉ tiêu về dân số và diện tích nên rất khó để xin cơ chế.
Tương tự, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết, công chức Sở này cũng quá tải khi phải "ôm việc” của 16 quận.
“Các cơ quan tài chính cùng cấp trước đây là Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu điều hành ngân sách nhưng hiện nay chuyển công việc này về Sở Tài chính. Điều này khiến công chức Sở phát sinh thêm khối lượng công việc rất lớn”- bà Hà phân trần.
Về giải pháp cho vấn đề quá tải hồ sơ hành chính ở cơ sở, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, thành phố cần tiếp tục kiến nghị Trung ương áp dụng cơ chế đặc thù để giải quyết.
Trong đó, đối với quận, huyện, nhất là các đơn vị hành chính cấp phường có dân số đông nhưng lại chưa đủ điện tích theo quy định để chia tách thì cũng cần được nghiên cứu áp dụng cơ chế riêng. Đối với những phường không đủ điều kiện để chia tách thì cũng cần đề nghị tăng thêm biên chế cán bộ quản lý để giải quyết kịp thời các bất cập.
Ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM:
Cần cơ chế đặc thù để đáp ứng khối lượng công việc
Theo chỉ tiêu giảm biên chế được Trung ương giao thì TP HCM đang dôi dư khoảng 5.700 công chức, viên chức.
Dù vậy, thực tế tại TP HCM do dân số đông và ngày càng gia tăng khiến đang gặp khó khăn để đảm bảo chỉ tiêu này. Hiện số công chức, viên chức chênh lệch này đều đang phải làm việc, thậm chí phải làm việc thêm giờ.
Đồng thời, số biên chế tại địa phương cũng nhiều hơn số lượng được trung ương duyệt cũng xuất phát từ nguyên nhân gia tăng dân số, kèm theo số bệnh viện, trường học cũng tăng lên hàng năm.