Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Giữ gìn di sản

Miên Thảo 24/11/2023 07:15

Ngày 22/11 tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24, các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới. Tin vui lớn đi cùng trách nhiệm gìn giữ những di sản văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp, không chỉ cho chúng ta mà còn cho cả nhân loại.

Trước đó, ngày 16/9/2023, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà của Việt Nam là Di sản thiên nhiên thế giới. Như vậy, Việt Nam hiện có 3 di sản thiên nhiên, 5 di sản văn hóa, 1 di sản hỗn hợp mang tầm thế giới. Bao gồm: Quần thể di tích cố đô Huế (UNESCO công nhận năm 1993), Vịnh Hạ Long (năm 1994 và năm 2000), Khu di tích Mỹ Sơn (năm 1999), Đô thị cổ Hội An (năm 1999), Phong Nha - Kẻ Bàng (năm 2003 và năm 2015), Hoàng thành Thăng Long (năm 2010), Thành nhà Hồ (năm 2011), Quần thể danh thắng Tràng An (di sản hỗn hợp, năm 2014), quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (năm 2023).

Trên thế giới, cũng không nhiều quốc gia được UNESCO vinh danh nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên như Việt Nam. Tự hào đi cùng trách nhiệm, trách nhiệm gìn giữ và trao truyền di sản cho muôn đời sau. Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazarre Eloundou nói rằng, những di sản thế giới của Việt Nam mang vẻ đẹp của những chòm sao. “Các khu di sản này không chỉ có giá trị với Việt Nam mà còn có giá trị nổi bật toàn cầu, góp phần làm phong phú thêm hiểu biết của nhân loại, thúc đẩy sự trao đổi giữa các nền văn hóa và sự tồn tại hài hòa giữa con người với thiên nhiên” - ông Lazarre Eloundou nói.

Những năm qua, việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản thế giới ở Việt Nam luôn được coi trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm khi mà có lúc có nơi di sản không được gìn giữ đúng mức, có khi còn bị xâm hại.

Đáng chú ý, mới đây Tạp chí du lịch Mỹ Fodor's Travel xếp vịnh Hạ Long vào nhóm 9 điểm đến "No list" năm 2024. "No list 2024" xét trên các tiêu chí chính, đó là quá tải khách, tạo rác thải, chất lượng và nguồn nước, những điều gây hại cho điểm đến và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Vịnh Hạ Long của Việt Nam được khuyến cáo ở tiêu chí "tạo rác thải".

Dĩ nhiên, đây chỉ là một ý kiến, nhưng cũng đáng suy nghĩ. Nhất là mới đây, khi triển khai dự án xây dựng, một khu vực tại vùng đệm vịnh Hạ Long đã bị doanh nghiệp đổ đất, kể cả “quây” lấy một hòn núi trong vịnh biển.

Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận cũng chính là điểm đến du lịch hấp dẫn. Nhưng việc bùng nổ du lịch cũng rất có thể khiến cho di sản mất dần sức hấp dẫn khi không được bảo vệ chu đáo.

Cần nhớ là khi UNESCO công nhận thì cũng có nghĩa là họ có thể thu hồi danh hiệu, nếu những cam kết gìn giữ di sản thế giới không được thực hiện đầy đủ.

Đã 36 năm (1987 - 2023) kể từ khi Việt Nam phê chuẩn và tham gia Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO (Công ước 1972), Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn, du khách quốc tế đến nhiều hơn để tận mắt chiêm ngưỡng những giá trị tuyệt đối, tinh hoa tích tụ.

Quảng bá di sản, phát triển du lịch phải đi liền với giữ gìn, bảo vệ di sản. Thế giới cũng đã có những “bài học nhãn tiền” khi di sản bị “bóc lột” quá mức nhằm tìm kiếm lợi nhuận khi khai thác di sản một cách quá đáng, hiện đại hóa quá mức, hoặc để mặc di sản xuống cấp, tiêu điều. Tính đến nay, có 4 nơi bị UNESCO thu hồi danh hiệu, là Thành phố cảng Liverpool (Vương quốc Anh), Thánh địa Oryx (Ả Rập - Oman), Thung lũng Dresden Elbe (Đức) và Nhà thờ Bagrati (Georgia).

Di sản là của chung, mọi người cùng phải có ý thức gìn giữ, nhất thiết không để rơi vào cái cảnh “cha chung không ai khóc”. Mỗi người ý thức một chút thì di sản sẽ trường tồn. Ngược lại, thiếu ý thức dù là rất nhỏ, nhưng nhiều nhỏ gộp lại thành to, di sản sẽ bị hủy hoại.

Như đã nói, Việt Nam là quốc gia có nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên tầm vóc thế giới được UNESCO công nhận. Tự hào, tuy nhiên trước thực tế một vài di tích sự gìn giữ chưa chu đáo, vẫn “giằng co” giữa đẩy mạnh khai thác du lịch mà chưa chú ý đúng mức đến bảo tồn, đã đến lúc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trong vai trò quản lý nhà nước cần sớm có một cuộc tổng rà soát. Điều gì tốt thì phát huy, điều gì chưa tốt thì ngăn chặn, sửa chữa, khắc phục.

Cũng cần phải nói rằng, trong việc này, quan trọng nhất là nhận thức và trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như người dân nơi có di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ gìn di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO