Với tài nguyên rừng. Từ hàng chục năm nay, chúng ta chật vật giải quyết bài toán cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tự nhiên. Thậm chí, đã có những phát ngôn đáng buồn về sự đánh đổi tuyệt đối như: “chấp nhận đánh đổi tài nguyên tự nhiên lấy lợi ích kinh tế” hay “phải bảo tồn tự nhiên khỏi bàn tay con người". Điều này hoàn toàn sai lầm.
Sự đánh đổi ta đã và đang trải qua có thể tồn tại trong một khoảng thời gian khi con người chúng ta chưa tìm được giải pháp điều hoà, chứ không phải vĩnh viễn. Con người sinh ra là một phần của tự nhiên và chúng ta hoàn toàn có phương pháp để đồng điệu cuộc sống của mình với sự trường tồn của tự nhiên.
Nhà khoa học người Thụy Sĩ Earnst Gotsch đã đưa ra mô hình nông lâm kết hợp theo thuyết thuận tự nhiên. Mô hình này đang được thử nghiệm thành công ở các quy mô nông nghiệp từ nhỏ lẻ đến quy mô lớn, ở các điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia Đông Nam Á.
Việt Nam chắc chắn không phải là một ngoại lệ. Nền tảng cơ bản của mô hình nông lâm kết hợp thuận tự nhiên là: Quá trình canh tác của con người hoàn toàn có thể đồng bộ hoá với chu trình sinh trưởng của tự nhiên, không sử dụng các chất vô cơ tổng hợp. Nhờ vậy, con người có thực phẩm và nguồn lực tự nhiên vẫn được bảo tồn.
Nông nghiệp truyền thống lạm dụng phân bón và các chất hoá học để loại bỏ sâu bọ trong một vài vụ mùa, nhưng rút kiệt độ màu mỡ của đất trong dài hạn đã phá huỷ độ phì nhiêu và chất lượng đất trong suốt hàng trăm năm qua.
Trên những mảnh đất ngày càng bạc màu, người nông dân mất đi tài sản trân quý nhất của họ - là những mảnh đất màu mỡ. Chi phí đầu vào để bù đắp cho sự bạc màu của đất sẽ ngày càng cao, làm lợi nhuận của nông nghiệp truyền thống ngày càng bị thu hẹp.
Với mô hình nông - lâm kết hợp thuận tự nhiên, người nông dân có thể trồng cây nông nghiệp cùng lúc với trồng rừng. Thông qua việc cắt tỉa có chọn lọc các cây thân cao và xử lý cỏ bằng phương pháp phân huỷ hữu cơ, người nông dân tạo điều kiện để lá cây cùng cỏ phân huỷ, đem lại nguồn dinh dưỡng cho đất và các cây lương thực.
Việc cắt tỉa của người nông dân cũng kích thích thân cành của cây phát triển, kích thích các vi sinh vật có lợi và nấm cộng sinh trong rễ cây sinh sôi – những thứ đang bị tận diệt bởi thuốc trừ sâu. Trong không gian nông - lâm kết hợp, các cây lớn tạo ra nhiều bóng mát và hấp thu nhiều khí CO2 hơn, làm không khí mát hơn, giữ gìn các dòng chảy ngầm. Nhờ đó, mưa sẽ nhiều hơn và các dòng nước ngầm sẽ hồi sinh trở lại.
Một nền nông nghiệp bền vững có thể tự tồn tại nhờ trao đổi chất cho nhau và thậm chí, trong dài hạn, sẽ không cần tới hệ thống tưới tiêu. Đó là sự thật, chứ không phải một giấc mơ.
Các nghiên cứu cho thấy, trong nông nghiệp truyền thống, để đạt được cùng một năng suất nông nghiệp như năm trước, người nông dân phải đưa vào gấp 2 đến 3 lần lượng đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Các biến động tự nhiên cũng như biến thể kháng thuốc của sâu bệnh cũng biến đổi ngày một khó lường.
Là người phụng sự cây Trầm Hương, tôi hiểu hơn ai hết sự kỳ diệu của Trầm Hương khi thành hình từ những tổn thương trên cây dó bầu. Từ những tổn thương đó dưới nắng gió tự nhiên, Trầm Hương được tạo thành. Đứng dưới bóng mát của những tán rừng dó bầu ở dải đất miền Trung và Tây Nguyên, tôi thấy Trầm Hương thành hình trên những thân cây bị thương, thấy sự sống của vô vàn sinh vật nảy nở sinh sôi trên từng tấc đất, từng thân cây, từng tán lá.
Bởi lẽ đó, tôi có lòng tin lớn lao vào mô hình nông - lâm kết hợp, vào cơ chế mà mô hình này sẽ bảo tồn và tái tạo tài nguyên đất. Cuộc sống của nhiều nông dân trồng rừng đã khởi sắc từ cây Trầm Hương.
Sẽ tuyệt vời biết bao khi dưới những tán rừng Trầm này ta lại được chung vui với sự khởi sắc của những người nông dân là những dịch vụ sau thu hoạch và dịch vụ tham quan nghỉ dưỡng hay gọi mỹ miều là: Phát triển du lịch dưới tán rừng, của một ngành nông nghiệp thân thiện với môi trường. Đó là giấc mơ đang dần hiện thực hoá.
Tôi và Công ty Trầm Hương Khánh Hòa ATC luôn nỗ lực hết mình Và chỉ cần chúng ta dám nghĩ khác, nhiều giải pháp khác, nhiều con đường khác sẽ ra đời. Ở đó, con người và tự nhiên sẽ cùng chung sống, sự hiện diện của con người là món quà cho tự nhiên và ngược lại.