Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Úc là thị trường lớn, có nhu cầu nhập khẩu cao các mặt hàng thuộc lĩnh vực đồ gỗ, hạt điều, thủy hải sản tươi sống hoặc chế biến… Với mức thu nhập bình quân đầu người cao (khoảng 50.000 USD/năm), đây là thị trường có sức mua lớn và đầy tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý, mối quan hệ về kinh tế giữa hai nước trong thời gian qua tăng trưởng mạnh mẽ. Úc hiện có gần 400 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn khoảng 1,8 tỷ USD, xếp thứ 19/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp VN cũng thành công tại thị trường Úc, tập trung vào các lĩnh vực ăn uống, du lịch, bất động sản.
Theo VCCI, thời gian tới việc xuất khẩu hàng nông, thủy sản cũng như mở rộng đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Úc sẽ có nhiều thuận lợi hơn bởi các hiệp định thương mại tự do với Úc đã ký kết và bắt đầu có hiệu lực.
Vẫn theo VCCI, Úc hiện là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ 8 và bạn hàng nhập khẩu thứ 12 của Việt Nam. Trong khi Việt Nam là bạn hàng thứ 14 của Úc về nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Theo những cam kết hội nhập trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), từ năm 2018, Úc sẽ cắt giảm 90% các loại thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN và 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0% từ năm 2020. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Úc.
Thời cơ là thế, thuận lợi là thế nhưng rất quan trọng là làm gì khi đã đặt chân được vào thị trường giàu có ấy thì phải đứng vững và sải bước. Nói thế là bởi thực tế cho thấy nhiều mặt hàng, nhiều doanh nghiệp Việt đã từng chiếm lĩnh thị trường Âu-Mỹ, nhưng rồi lại “bật bãi”. Việc “thẻ vàng” của EU áp đối với hải sản Việt Nam là một bài học đắt giá. Vì thế mới nói, thị trường Úc rộng mở nhưng không thể vì thế không nỗ lực: giữ lấy thị trường.