Giữ nghề đan quẩy tấu

Phong Sơn- Kim Tiến 08/06/2017 14:05

Bà con các dân tộc thiểu số sống trên rẻo cao có những nghề truyền thống hết sức độc đáo. Tuy nhiên, trước cuộc sống phát triển, hiện nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một. Nhưng người Mông, người Tày, người Thái, người Nùng… vẫn quyết giữ nghề. Những chuyện ghi từ Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc, với việc bảo tồn và phát triển nghề đan quẩy tấu cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận.

1. Trung tuần tháng 4 vừa qua, tại thôn Sủng Pờ, UBND xã Thắng Mố, huyện Yên Minh (Hà Giang) đã tổ chức Lễ ra mắt Làng nghề đan quẩy tấu. Chiếc quẩy tấu gắn bó với bà con vùng cao, nhưng ở vùng Yên Minh này, thôn Sủng Pờ nổi tiếng với nghề đan quẩy tấu.

Bà con người Mông ở đây đan quẩy tấu từ cây trúc. Đại diện UBND xã Thắng Mố cho biết, thông qua việc thành lập Làng nghề đan quẩy tấu là cách để giữ gìn văn hóa truyền thống đồng thời cũng là tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con.

Ban đầu, Hội nghệ nhân nghề đan quẩy tấu được công nhận với 12 thành viên, đây sẽ là những hạt nhân để làng nghề hoạt động có hiệu quả và có trách nhiệm truyền nghề cho lớp trẻ mai sau.

Thông qua việc ra mắt làng nghề đan quẩy tấu, cũng là bước đầu để hình thành nên một địa điểm cho du khách có thể tham quan, tìm hiểu nghề truyền thống của bà con.

Đại diện UBND xã Thắng Mố cũng cho biết, để chủ động nguồn nguyên liệu cho làng nghề đi vào sản xuất, xã đã chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc 5 ha rừng trúc đã trưởng thành; đồng thời trồng thêm rừng trúc mới. Cùng với đó sẽ đa dạng hóa các sản phẩm nghề đan…

2. Ở Hà Giang, không chỉ có thôn Sủng Pờ mới có bà con đan quẩy tấu. Theo chân anh Lý Seo Páo (người Mông) tình cờ gặp ở chợ Hoàng Su Phì, chúng tôi về thôn Lùng Chin Hạ, xã Thèn Chu Phìn, cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì hơn 10 km. Anh Páo cho biết, từ rất lâu rồi, thôn Lùng Chin Hạ đã có tiếng với nghề đan quẩy tấu truyền thống.

Quẩy tấu ở thôn Lùng Chin Hạ được đan với nhiều kích cỡ khác nhau. Trước nhu cầu của đời sống, những năm gần đây bà con còn đan nhiều dụng cụ sản xuất khác như rổ, giá, nong, nia… để đa dạng sản phẩm làng nghề. Do vậy, từ chỗ chỉ là nghề phụ, giờ đây nghề đan đã giúp người dân thôn Lùng Chin Hạ có thêm thu nhập và được công nhận làng nghề đan lát thủ công truyền thống.

Qua tìm hiểu được biết, làng nghề đan lát thủ công Lùng Chin Hạ được công nhận vào tháng 7/2014 với 40 hộ tham gia, sản lượng hàng năm đạt trên 7.000 sản phẩm.

Khác với bà con ở Sủng Pờ dùng trúc đề đan, người Mông ở Lùng Chin Hạ sử dụng một loại vầu đặc biệt có tên là “vầu ngọt”. Anh Páo chỉ tay vào những cây vầu ngọt giới thiệu:

Loại vầu này rất dẻo, đốt thưa. Đặc biệt, những cây vầu ngọt mọc ở xã Thèn Chu Phìn thì bà con mới đan quẩy tấu được, còn ở các vùng khác thì không đan được.

Trò chuyện một hồi, chúng tôi mới biết anh Ly Seo Páo là một nghệ nhân đã gắn bó với nghề được hơn 20 năm. Theo anh Páo, nghề đan quẩy tấu cần sự tỉ mẩn, đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, kỹ thuật chẻ nan phải biết lách dao sao cho độ dày mỏng thật đều, thật phẳng thì lúc đan mới dễ, mới đẹp.

Quẩy tấu của người dân ở Lùng Chin Hạ có nét tinh tế riêng khi người thợ đan biết cách phối hợp các loại vật liệu để sản phẩm được tạo ra không chỉ đa dạng mà còn lưu giữ được nhiều nét tự nhiên vốn có. Theo anh Páo, phải biết cách chọn từng cái cật sao cho rẻo cùng rẻo, cứng cùng cứng.

Nguyên liệu phải được bảo quản ở nơi khô ráo, tránh mục mọt, tốt nhất là để trên gách bếp, gác nhà. Những ngày mưa nhiều khi chẻ nan xong, người thợ thường phải đem đi sấy cho bớt nước trước khi đan để tăng thời gian sử dụng của sản phẩm làm ra...

Ra mắt Làng nghề đan quẩy tấu thôn Sủng Pờ .

3. Tại thôn Lùng Hẩu, xã Thái An (huyện Quản Bạ) cũng là một vùng của Hà Giang mới khôi phục lại nghề đan quẩy tấu bền đẹp phục vụ nhu cầu của bà con trong cũng như ngoài huyện Quản Bạ.

Tìm hiểu được biết, thôn Lùng Hẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, cuộc sống bà con gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao. Nhưng vào năm 2013, khi xã vận động người dân trong thôn khôi phục nghề đan quẩy tấu thì đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Đến nay, người dân thôn Lùng Hẩu ai nấy đều thành thạo với việc đan quẩy tấu. Theo anh Vàng Mí Tủa, một người Mông ở đây cho biết, nếu một người nhanh nhẹn, chăm chỉ 1 tuần có thể hoàn thành 5-6 chiếc quẩy tấu.

Không chỉ đan những chiếc quẩy tấu bền, chắc mang ra chợ bán phục vụ bà con quanh vùng, người dân thôn Lùng Hẩu còn đan quẩy tấu kích thước nhỏ cùng những đồ đan lát truyền thống đề bán cho du khách. Bởi từ lâu, xã Thái An cũng là nơi có nhiều khách tham quan du lịch.

Trò chuyện với người Mông ở đây chúng tôi mới vỡ ra, trước đây, người dân trong thôn Lùng Hẩu chỉ trông chờ vào cây ngô làm lương thực trong đời sống hàng ngày. Thiên nhiên không ưu đãi nên cuộc sống bấp bênh, tình trạng thiếu đói trong mùa giáp hạt vẫn đeo đuổi dai dẳng với người dân nơi đây.

Phải thay đổi, phải chuyển hướng để đưa bà con thoát cảnh đói nghèo. Đó là cam kết của cấp ủy chính quyền địa phương nơi đây. Nhưng bằng cách nào? Chính quyền xã từng đưa cây sa mộc vào trồng, trồng cây cỏ voi với mong muốn giúp bà con thuận lợi trong chăn nuôi.

Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt cây trồng không thể phát triển và mang lại lợi ích để thay đổi cuộc sống cho người dân. Trước thực tế đó, sau nhiều lần trồng thử nghiệm, chính quyền xã đã triển khai trồng rộng rãi cây trúc sào. Việc trồng cây trúc sào làm tăng giá trị sử dụng đất, phủ xanh đất trống, giữ đất giữ nước, đồng thời tạo nên cảnh quan sinh thái mới lạ cho vùng cao nguyên đá.

Nhưng điều quan trọng hơn, cây trúc sào chính là nguyên liệu để phục vụ nghề đan quẩy tấu truyền thống của thôn đã ít nhiều mai một.

Chính nhờ bước ngoặt ấy, bà con tập trung đan quẩy tấu và dần dần thoát được nghèo đói. Đến nay, nhiều gia đình đã thoát nghèo và hàng ngày tạo ra những sản phẩm mây tre đan phục vụ đời sống, du lịch.

Có thể nói, bằng việc phát triển nghề đan quẩy tấu, bà con người Mông ở một số địa phương ở Hà Giang đã gìn giữ được nghề truyền thống, đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Qua đó, có thể thấy, nếu được sự quan tâm của các cấp chính quyền cơ sở, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao sẽ không bị mai một. Bên cạnh đó, những làng nghề truyền thống khi được hồi sinh còn trở thành địa chỉ hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, mua sắm...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ nghề đan quẩy tấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO