Bộ GDĐT vừa có chỉ đạo hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2019-2020 với các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến công tác thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm kiểm định chất lượng giáo dục và công tác quản lý văn bằng chứng chỉ. Trong đó, có yêu cầu quan trọng là việc giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại Hà Nội.
Vẫn lấy điểm thi THPT quốc gia để tuyển sinh ĐH
Theo đó, Bộ GDĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019. Kỳ thi nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông. Kết quả thi có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông; làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học (GDĐH), giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo tinh thần tự chủ tuyển sinh đã được quy định trong Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung.
Bộ yêu cầu các Sở GDĐT tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên các môn học ở cấp THPT.
Bộ yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi; chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2020; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi.
Để đạt mục tiêu trên, Bộ lưu ý đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về kỳ thi THPT quốc gia; tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Sở GDĐT đối với các hội đồng thi…
Lựa chọn kỹ về nhân sự
Tại văn bản chỉ đạo nêu trên, Bộ GDĐT cũng yêu cầu các địa phương, Sở GDĐT làm tốt việc lựa chọn nhân sự chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Theo đó, cần chú trọng tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho các cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát. Chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia 2020, xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các tình huống phát sinh có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi.
Trước đó, sau sự cố gian lận thi cử ở các địa phương Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều kinh nghiệm, bài học trong tổ chức thi đã được rút ra tại kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GDĐT đã khẳng định quyết tâm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia an toàn, khách quan, nghiêm túc nhưng không căng thẳng. Đề làm được như vậy, mỗi người phải làm đúng, làm tròn trách nhiệm của mình. Do đó ở kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, “5 rõ” cũng đã được nhấn mạnh trong Quy chế thi, gồm: Tập huấn bài bản, chặt chẽ; Chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức thi; Ban Chỉ đạo phân công rõ người, rõ quy trình; Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; Lưu ý những vấn đề mang tính kỹ thuật... Cùng với đó là chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi, từ cơ sở vật chất, tài chính và an ninh, an toàn cho công tác tổ chức thi tại địa phương đến huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên có chất lượng, có trách nhiệm cao tham gia công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo, đặc biệt chú trọng công tác lựa chọn nhân sự, tập huấn kỹ nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ, giáo viên tham gia. Xây dựng, triển khai phương án huy động các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia tổ chức thi và phương án dự phòng để giải quyết các tình huống bất thường có thể xảy ra đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả...
Những kinh nghiệm được rút ra từ kỳ thi THPT quốc gia 2019 - hi vọng sẽ là những bài học hữu ích cho việc tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020. Đây cũng là kỳ thi cuối cùng trước khi bước sang một giai đoạn mới của lộ trình đổi mới thi THPT quốc gia.
Theo Bộ GDĐT, sau năm 2020, nội dung thi THPT quốc gia nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12. Phương thức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Vào đầu tháng 10 vừa qua, Bộ GDĐT cho hay, sau khi công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia giai đoạn 2021-2025 về việc tổ chức thi trên máy tính, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận và những góp ý nhằm hoàn thiện phương án. Bộ GDĐT sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo và các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện phương án tổ chức thi phù hợp. Dự kiến, tháng 7/2020, Bộ sẽ công bố phương án thi THPT quốc gia trên máy tính để bắt đầu áp dụng từ năm 2021.