Văn hóa

Giữ “tính thiêng” trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Anh Hà 06/08/2024 09:43

Thời gian qua, xuất hiện một số clip có nội dung công kích, xúc phạm lẫn nhau giữa các thanh đồng, làm suy giảm giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ngày 1/12/2016, UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chính vì thế, việc một số thanh đồng (người đứng hầu đồng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu) chỉ trích nhau trên mạng xã hội đã gây bức xúc dư luận.

anhbaitren.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển thực hành diễn xướng hầu đồng tại Chương trình trải nghiệm văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, ngày 7/6/2024.

“Đồng thật”, “đồng giả”

Trong việc “nói qua nói lại” ấy, ai cũng nhận mình là “đồng thật” còn đối phương là “đồng giả”. Cũng chẳng có ai đứng ra làm trọng tài phân xử, nên sự việc bỗng trở nên “vàng thau lẫn lộn”, không biết ai là “vàng” ai là “thau”. Việc đôi co qua lại cũng là chuyện thường gặp, nhưng đối với một di sản văn hóa truyền thống, mang tính tín ngưỡng thì rất không nên khi nó khiến cho tín ngưỡng thờ Mẫu phần nào mất đi sự tôn nghiêm và trang trọng; khiến một số người nhìn khác đi về tín ngưỡng này.

Thực tế thì tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ là một phần của di sản văn hóa dân tộc mà còn là một phương tiện giáo dục tinh thần và đạo đức, khi tôn vinh ca tụng Mẫu (mẹ) và các vị nữ thần nói chung. Việc công kích, “hạ bệ” nhau giữa những người thực hiện tín ngưỡng trên không gian mạng và cả ngoài đời là thiếu trách nhiệm trong việc bảo tồn tín ngưỡng. Trong trường hợp thấy cần phải lên tiếng thì nên bình tĩnh để làm sáng tỏ vấn đề thay vì dùng lời lẽ công kích hay bôi nhọ nhau.

Theo Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh, thời gian gần đây hiện tượng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không đúng, được livestream trên mạng khá nhiều, truyền nghi thức hầu thánh không chuẩn mực, thương mại hóa di sản, khó kiểm soát, gây ảnh hưởng rất lớn tới tín ngưỡng thờ Mẫu. Vì thế, việc truyền dạy các nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu cần phải được đặt ra một cách nghiêm túc, bài bản. Có như vậy mới tạo được những lớp thanh đồng có một chuẩn mực chung, tránh được tình trạng mạnh ai nấy làm, ai cũng cho mình là đúng còn người khác là sai, dẫn đến nhận thức lệch lạc, không loại trừ cả việc mê tín dị đoan.

Còn theo PGS.TS Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, không chỉ với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta vẫn được thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị thông qua việc truyền khẩu, truyền dạy từ thế hệ này đến thế hệ khác. Vì vậy, ngoài tâm huyết của các nghệ nhân, rất cần cơ quan quản lý nhà nước cho phép thành lập hội hay hiệp hội để chuẩn hóa các hoạt động, từ đó việc truyền dạy cũng sẽ bài bản hơn, tạo sức mạnh liên kết của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.

Bảo đảm tính thiêng như một giá trị đạo đức

Thời gian qua cũng có không ít chương trình quảng bá, giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu bị chỉ trích khi xa rời nguyên bản và không đảm bảo tính thiêng của loại hình di sản phi vật thể này. Không chỉ nghi thức hầu đồng, hát văn mà cả các đoạn diễn xướng giá Ông Hoàng Mười, Cô đôi Thượng ngàn... cũng bị sân khấu hóa một cách quá đáng.

Giới nghiên cứu văn hóa cho rằng, cần phải có hướng đi đúng trong quảng bá di sản. Quá trình đó cần quan tâm đến nguyên tắc đạo đức, đặc biệt trong việc mô phỏng, tái tạo di sản văn hóa phi vật thể, nhất là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Không gian thiêng của nơi thờ tự cần được chú trọng khi xem xét, đánh giá hoạt động mô phỏng, tái tạo di sản văn hóa phi vật thể.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ hầu đồng được cho là nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc biệt với nhiều câu chuyện truyền thuyết, thần tích hấp dẫn. Hầu đồng không chỉ tạo nên một không gian tâm linh huyền bí mà còn thể hiện được nét uy nghi, niềm hân hoan và vẻ đẹp trong sáng của người Việt trong một thế giới văn hóa đa sắc màu. Vì thế, càng phải giữ được tính thiêng trong quá trình thực hành.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đức Hiển từng bày tỏ lo ngại khi nhiều chương trình diễn xướng nghi thức thờ Mẫu bị cộng đồng phản ứng do không đảm bảo được tính thiêng. Theo ông Hiển, tính thiêng là điều vô cùng quan trọng trong diễn xướng nghi thức thờ Mẫu.

Trở lại với việc các thanh đồng công kích lẫn nhau trên mạng xã hội, rất cần phải loại bỏ. Vì không thể xúc phạm tới tính thiêng của di sản văn hóa phi vật thể thờ Mẫu. Không thể “trần tục hóa”, “dung tục hóa” một di sản chỉ vì tính hơn thua cá nhân của bất cứ một ai.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, di sản rất quan trọng nhưng mong manh trước sự thay đổi của thời cuộc. Từ đó ông đề xuất các địa phương khi tổ chức các sự kiện liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu cần có sự tham vấn đối với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thông qua Cục Di sản văn hóa. “Đây không phải di sản có thể tổ chức ở đâu, làm gì cũng được, vì vậy sự nhạy cảm của các địa phương phải thể hiện qua tham vấn với các cơ quan của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch” - ông Sơn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ “tính thiêng” trong tín ngưỡng thờ Mẫu