Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước; là thành phố năng động với nhiều cách làm mới hiệu quả. Trong khó khăn của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 3 năm (từ năm 2020 đến 2022), khi kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn thì đóng góp của TPHCM là rất lớn, đặc biệt ý nghĩa. 48 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) cũng là 48 năm đầy tự hào của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Cơ chế vượt trội, chính sách vượt trội
Phát triển TPHCM luôn nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước cũng như người dân cả nước. Ngày 30/12/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết nêu rõ, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực. Thành phố tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Thành quả phát triển TPHCM thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thành phố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của TPHCM chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Để TPHCM tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển TPHCM văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố với phương châm "TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM".
Mục tiêu đến năm 2030, TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Đáng chú ý, theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội sẽ lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TPHCM; xây dựng cơ chế để cụ thể hóa thực hiện Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị; xem xét hoàn thiện thể chế, chính sách về đô thị đặc biệt, chính quyền đô thị; sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát thực hiện Nghị quyết mới. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo ban hành Chương trình hành động tổ chức thực hiện Nghị quyết; Đề án triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị, chọn TPHCM làm thí điểm; định kỳ hằng năm và khi cần thiết làm việc với TPHCM để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thành phố. Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương thường xuyên quan tâm, phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển TPHCM.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, lấy lại đà tăng trưởng
Ngày 27/7/2022, Thủ tướng và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với lãnh đạo TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022 và một số dự án đầu tư công trọng điểm của thành phố. Chiều 27/11/2022, Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt TPHCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm.
Mới đây nhất, sáng 16/4/2023, tại TPHCM, Thủ tướng đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, TPHCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, xã hội của khu vực phía Nam và cả nước. Thành phố phát triển hay khó khăn có ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của cả nước. Chính vì thế, Chính phủ thường xuyên có các cuộc làm việc để cùng trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh, bền vững. Thủ tướng cho biết, cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với TPHCM nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19; đưa ra giải pháp chắc chắn, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời rà soát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, thông tư mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển; kiểm điểm sự phối hợp giữa thành phố với các bộ, ngành Trung ương; nêu các nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện.
Tại cuộc làm việc với Thủ tướng ngày 16/4, báo cáo của Thành ủy TPHCM cho biết, năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 9,03%, cao hơn bình quân chung cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 471 nghìn tỷ đồng, đứng đầu và chiếm 30% tổng thu ngân sách cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 6.770 USD/người; vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đạt 56,5 tỷ USD, xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD (cùng đứng đầu cả nước).
Tuy nhiên, quý 1/2023, tình hình phát triển kinh tế của TPHCM gặp khó khăn. GRDP trên địa bàn ước tăng 0,7% so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng chậm dần, dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước có phần giảm sút; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập; quy hoạch, quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện...
Cuộc làm việc mới nhất của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như 2 cuộc làm việc trước đó của Thủ tướng cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước về sự phát triển của TPHCM. Đã có cơ chế vượt trội, chính sách vượt trội, những vướng mắc, những nút thắt cần được nhanh chóng tháo gỡ; dứt khoát TPHCM phải giữ vững vị thế đầu tàu, có sức lan tỏa ngày một lớn. Những đề nghị, kiến nghị cần thiết của TPHCM sẽ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu đáp ứng sớm nhất. Điều đó một lần nữa cho thấy tinh thần “TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM".
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, giai đoạn 2016-2020, TPHCM đóng góp cao nhất vào tốc độ tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TPHCM đóng góp 3,48 điểm phần trăm, các địa phương còn lại của vùng Đông Nam bộ đóng góp 2,03 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,51% của cả vùng, và từ trước đến nay TPHCM vẫn là trung tâm tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế hiện đại của cả nước. Theo TS Bùi Trinh, đứng ở góc độ kinh tế, TPHCM là một vùng đặc biệt quan trọng, đầu kéo cả nền kinh tế đất nước phát triển. Do đó, việc Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là rất cần thiết.