Chắc hẳn với bất cứ giáo viên nào, việc làm sao để được các học sinh yêu thích qua mỗi tiết học là điều luôn trăn trở. Trong những trăn trở ấy, mỗi thầy cô giáo lại có một cách thể hiện bài giảng khác nhau. Song, có thể khẳng định, những bài học để được các học sinh chú ý, quan tâm, phải là những bài học lấy học sinh làm trung tâm…
Đó có thể là cách giảng bài của cô giáo Thiều Thị Thu Dung - giáo viên tiếng Anh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái). Mỗi giờ học của cô Dung, học sinh đều hào hứng bởi toàn bộ nội dung tiết học, nhiệm vụ trong mỗi bài học được biến thành các trò chơi, câu hỏi vui nhộn.
Mỗi lần thiết kế bài giảng, cô đều đặt mình vào học sinh, để làm sao bài giảng được tiếp cận với học sinh nhanh nhất, dễ hiểu nhất. Vì cô “không thích bài giảng dập khuôn từ sách giáo khoa”, mà “luôn thích cái mới, dễ, nhưng gây hứng thú cho học sinh”…
Từ quan điểm ấy, với tiêu chí dễ, mới, lạ, biến bài học thành các trò chơi, cô Dung đã thành công trong tiếp cận học sinh, tạo hứng thú, khơi gợi sự sáng tạo của học trò trong mỗi bài giảng. Trong giờ học của cô, lớp thường được chia làm 2 đội, tất cả các nhiệm vụ trong bài giảng biến thành các trò chơi cho các đội với hình thức gần giống các trò chơi trên truyền hình như “Ai là triệu phú”, “Đường lên đỉnh Olympia”… Bạn trả lời nhanh sẽ được điểm, tạo sự ganh đua, gay cấn và sôi nổi trong cả lớp.
Đó cũng có thể là những giờ giảng Tiếng Việt tại Trường Phổ thông Olympia, Hà Nội. Một giáo viên dạy Tiếng Việt tại đây chia sẻ rằng: Với nhiệm vụ lấy học sinh làm trung tâm, những tiết học của nhà trường luôn giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo và rèn luyện các kỹ năng. Những cách thức tiếp cận với bài học của các thầy cô không đơn thuần chỉ trên sách vở mà sẽ đặt các bạn học sinh vào thực tế để mỗi bạn có riêng cho mình những chiêm nghiệm, những bài học quý báu và chạm đến kiến thức theo cách của riêng mình.
Một bài học Tiếng Việt của khối 4 “Tìm hiểu bố cục”, các bạn sẽ được giới thiệu qua lý thuyết với các bước cơ bản: Tưởng tượng (Tìm ra những hình ảnh khác nhau) - Liên tưởng (Chọn ra hình ảnh phù hợp với ý mình diễn đạt) - Bố cục (Chọn vật liệu và sắp xếp chúng để thể hiện ý đó).
Sau đó các bạn được giao bài tập thực hành chủ đề “Mùa thu”. Với chủ đề này, các bạn không phải ngồi ngay ngắn trên bàn và cố gắng nghĩ đến những con chữ sẽ được sắp xếp như thế nào mà mỗi bạn sẽ nghĩ đến một câu chuyện khác nhau với hàng trăm cách sắp xếp, tưởng tượng khác nhau.
Đặc biệt, các cách “sắp xếp” này sẽ được thể hiện qua những bức tranh với những vật dụng có sẵn như hoa, lá, cây, bút màu, mực, giấy cắt…
Mùa Thu với một bạn học sinh yêu thích lịch sử thì nghĩ ngay đến tháng Tám năm 1945; hoặc với một bạn học khác, mùa Thu đơn giản là “sắp đến mùa Đông”… Chính những thao tác này đã giúp cho các bạn nhỏ mở rộng tư duy quan sát, suy ngẫm và sáng tạo ý tưởng…
Như vậy có thể thấy rằng, nếu đặt học sinh làm trung tâm, tạo cơ hội cho các học sinh được sáng tạo, những tiết giảng của thầy cô giáo sẽ không bị trôi qua một cách nhạt nhòa. Ngược lại, mỗi giờ học sẽ là một khoảng thời gian đặc biệt mà cả cô và trò đều muốn lưu giữ lại.