Thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá ứng dụng công nghệ thông tin trong các bệnh viện, như khám chữa bệnh từ xa; 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý; nhiều cơ sở đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim…
Trong dịch bệnh Covid-19, việc đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa và kết nối trong y tế đã minh chứng rõ nhất hiệu quả của chuyển đổi số trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Những lợi thế của việc khám, chữa bệnh trực tuyến cũng như bệnh viện “không giấy tờ” đã giúp người bệnh được hưởng lợi nhiều hơn; đồng thời góp phần tăng năng lực cho bệnh viện tuyến dưới, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Đơn cử như từ năm 2020 Bệnh viện Bạch Mai đã khai trương và tích cực triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa. Bệnh viện đã kết nối 353 điểm cầu, tổ chức tập huấn cho trên 100.000 lượt cán bộ y tế cơ sở.
Còn nhớ, trong năm 2020 đã có những trường hợp bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa được cấp cứu kịp thời nhờ công nghệ khám, chữa bệnh từ xa. Ví dụ như Bệnh viện Đa khoa Mường Khương (Lào Cai) được sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cứu chữa cho một bệnh nhân trong tình trạng viêm phổi nặng, tràn mủ màng phổi, rất nguy kịch nếu không được hút dịch mủ. Điều đáng nói, bệnh viện huyện miền núi này chưa bao giờ thực hiện kỹ thuật khó nói trên. Trong tình huống này, nếu chuyển bệnh nhân xuống Hà Nội là điều không thể…
Như vậy, khám, chữa bệnh từ xa là nhu cầu tất yếu của xã hội, song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin. Cùng với đó một ứng dụng khác của công nghệ vào y tế cần phải nhắc tới, đó là mô hình bệnh viện thông minh đã được triển khai ở nhiều đơn vị.
Đơn cử như Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã áp dụng thẻ khám bệnh thông minh từ năm 2019, với mục tiêu cải thiện và rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh, mang đến dịch vụ y tế chất lượng cao, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Ngoài việc không phải xếp hàng chờ đợi đăng ký khám bệnh và thanh toán viện phí, thẻ khám bệnh thông minh còn giúp các phòng khám điều phối và phân luồng được bệnh nhân, kiểm tra, quản lý được lịch sử khám, chữa bệnh trên hệ thống phần mềm, giúp kiểm soát quá trình khám, chữa bệnh của bệnh nhân một cách thuận tiện, tránh quá tải ở những giờ cao điểm.
Người bệnh cũng có thể tra cứu các kết quả cận lâm sàng như xét nghiệm, siêu âm, X-quang... theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân dễ dàng trên website của bệnh viện. Giờ đây, một số bệnh viện trên cả nước đã số hóa được trên 90% các loại giấy tờ có liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh.
Hiện Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế cũng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô-bốt trong y tế; thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện.
Trước yêu cầu mới các bệnh viện đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới bệnh viện “không giấy tờ”, đồng thời nâng cao năng lực điều hành và hiện đại hóa. Nhờ đó, một số quy trình đã được tự động hóa, giảm bớt phiền hà cho người dân, nâng cao chất lượng dịch vụ và hướng đến tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Bộ Y tế, đến năm 2025, 100% người dân được định danh y tế; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử... Tâm lý người bệnh, ai cũng mong muốn thủ tục khám chữa bệnh được gọn nhẹ hơn, để khi đi đến các cơ sở y tế họ vừa được chia sẻ, thấu hiểu, lại vừa tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc. Tuy nhiên, đi kèm với số hóa là việc nâng cao giám sát tự chủ bệnh viện; nâng cao y đức của người làm nghề; linh hoạt trong quá trình làm thủ tục và khám chữa bệnh cho nhân dân.