Thời gian qua, dư luận xã hội bức xúc về việc gần 10.000 nhân viên y tế và rất nhiều giáo viên chuyển việc, thôi việc, nghỉ việc. Nhưng cũng không chỉ hai ngành này mới có hiện tượng đó, mà nhiều ngành nghề khác, trong đó có cán bộ xã/phường cũng nghỉ việc. Đặc biệt với nhân viên y tế nghỉ việc giữa bối cảnh cả nước vừa mới trải qua đại dịch Covid-19, phía trước còn ngổn ngang trăm bề, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát lẫn “dịch chồng dịch”, nên tình hình rất khó khăn.
Từ trước tới nay, việc tinh giản biên chế luôn được đặt ra nhằm giảm sự cồng kềnh của bộ máy, đồng thời phát huy tốt những người “ở lại”. Tuy nhiên, vẫn không được như kỳ vọng khi rất khó tinh giản, nhất là khi họ không “có phốt”, hay là chưa đến tuổi về hưu. Nhưng, ngược lại, gần 2 năm qua lại xuất hiện làn sóng người trong các cơ quan đơn vị, nhà trường, bệnh viện công lập tự động xin thôi việc, nghỉ việc.
Tại sao lại như vậy? Đã có nhiều phân tích, lý giải; Chính phủ chỉ đạo phải nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra giải pháp, nhưng làn sóng ấy vẫn chưa lắng xuống. Mà cũng không chỉ là viên chức, nhân viên, mới đây nhất việc hai vợ chồng cùng là Phó Giám đốc sở ở địa phương nọ xin nghỉ việc càng làm nóng dư luận.
Nguyên nhân được đưa ra cũng nhiều, từ phía người xin thôi việc, cơ quan chủ quản, lẫn giới chuyên gia, những nhà xã hội học. Nổi lên hơn cả là thu nhập thấp. Nhìn chung, người làm trong cơ quan nhà nước thu nhập chủ yếu từ lương, nhưng do giá trị đồng tiền đi xuống, cải cách tiền lương luôn “chạy theo” nên cuộc sống của họ khó khăn. Nếu như vào khoảng hơn chục năm trước xin được vào làm ở cơ quan nhà nước là “đời lên tiên” do lương khá (so với giá cả thị trường), thì sau này qua nhiều lần cải tiến, nâng bậc lương tối thiểu vùng nhưng giá trị thực tế nhận được từ lương có thể nói là ngày một cách xa so với giá cả thị trường. Chưa kể mức sống ngày một đi lên, đòi hỏi mức độ chi tiêu cũng ngày một nhiều hơn, nên thu nhập từ lương lại càng thấp đi.
Ở một số lĩnh vực, sự bất cập lại còn rõ hơn. Với ngành y, công việc vất vả, đối mặt với hiểm nguy có thể phơi nhiễm dịch bệnh bất cứ lúc nào nhưng lương cũng không hơn gì ngành khác. Thù lao cho mỗi ca mổ, ca trực không mua nổi bát phở. Một bác sĩ ngoại khoa công tác hơn mười năm, thực hiện một ca mổ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ cũng chỉ nhận được không quá 200.000 đồng bồi dưỡng. Với cán bộ phường, do chính sách “cào bằng” nên số lượng công việc ở những phường đông dân tại TP Hồ Chí Minh, hay Hà Nội, biên chế là không thể đủ. Từ đó, một người phải gánh khối lượng công việc gấp 3,4 lần; ban ngày làm không xuể phải làm cả ban đêm, áp lực công việc rất lớn nhưng thu nhập hàng tháng rất thấp.
Những người chuyển việc, nghỉ việc, thôi việc không hẳn đã “nhạt lòng” với công việc họ đảm nhận. Trong số đó cũng có nhiều người phải tìm chỗ thu nhập cao hơn để lo cho bản thân họ, cho vợ con, cho gia đình và còn biết bao khoản chi không tên khác. Khối bệnh viện tư, trường tư trả thu nhập cao hơn, cũng khó mà trách họ.
Một số y, bác sĩ còn cho biết, họ đã cố gắng trụ lại với mức lương ít ỏi và có thể trụ lại tiếp, nhưng họ đã không tìm thấy lối mở nếu như ở lại. Đây là nguyên nhân quan trọng thứ hai khiến họ “dứt áo ra đi”. Đôi khi, trước việc y, bác sĩ thôi việc, chuyển việc, dư luận xã hội đã không công bằng với họ, khi trách họ đã không vì người bệnh, vì cái nghề cao quý bậc nhất là trị bệnh cứu người mà họ đã chọn. Nhưng hãy nghe họ nói, có khi họ phải ra đi vì môi trường làm việc quá áp lực trong khi lãnh đạo bệnh viện lại luôn sợ sai, sợ kỷ luật, có khi còn sợ đi tù nên không dám “bung ra” phát triển bệnh viện, để đem lại thu nhập tốt cho cán bộ, nhân viên. Với cách hành xử ấy thì cái ghế giám đốc, phó giám đốc của họ giữ được nhưng cả người bệnh lẫn nhân viên bệnh viện đều thiệt thòi, đều khó khăn.
Còn nhiều nguyên nhân nữa khiến người ta thôi việc, nghỉ việc, nhưng chỉ với hai nguyên nhân quan trọng đó thôi nếu không được giải quyết thì cũng sẽ vẫn chỉ là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Trước mắt cũng như lâu dài phải gỡ được “hai điểm nghẽn” đó. Một là phải nhanh chóng cải cách chế độ tiền lương. Và hai là phải chọn được cán bộ quản lý tốt, dám nghĩ dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Phần lớn nhân viên trông chờ vào lãnh đạo đơn vị, những nếu lãnh đạo “mũ ni che tai”, thì cũng khó trách họ đành phải dứt áo ra đi lo cho cuộc sống của mình.
Tuy nhiên, cũng phải nói với nhau rằng, không ai bắt buộc ta chọn công việc mình đang làm. Vì thế, cân nhắc đi hay ở là cần thiết, cũng như cống hiến vẫn là điều gì đó thiêng liêng. Để rồi chúng ta không bao giờ hối tiếc.