Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics. Tuy nhiên, thực tế phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vì sao vậy?
Chi phí logistics cao
Logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu”của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao thương mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức 2 con số, Việt Nam được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 lên 616,30 tỷ USD, tăng 14,06 % so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên logistics Việt Nam cũng còn nhiều điểm yếu như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chi phí cao, năng lực cạnh tranh hạn chế, liên kết với các ngành hàng xuất khẩu chưa chặt chẽ, thiếu nhân lực chất lượng cao.
Giới chuyên gia cũng chỉ ra cơ sở hạ tầng phục vụ logistics tuy đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp nhưng còn thiếu tính kết nối và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp logistics có quy mô nhỏ cả về lao động, tài chính, kinh nghiệm hoạt động, chưa vươn ra được thị trường logistics quốc tế. Việc chuyển đổi số trong các khâu của logistics còn hạn chế. Việc đào tạo chuyên sâu về logistics tại các cơ sở đào tạo chưa được quan tâm đúng mức.
Đặc biệt, điểm yếu cố hữu của ngành logistics Việt Nam đã bộc lộ rõ hơn như chi phí logistics vẫn ở mức cao, cao hơn nhiều so với chi phí logistics trung bình trên thế giới đang dao động ở mức 11% - 12% GDP.
Logistics từng địa phương rất hạn chế
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cho biết, logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải sớm có sự khắc phục kịp thời.
Thống kê cho thấy, dịch vụ logistics hiện nay phát triển có phần chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng; chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp, xuất nhập khẩu chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Như tại TP Hồ Chí Minh, được xác định là nơi rất có thế mạnh về vị trí địa lý, nằm giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu (XNK) cho khu vực các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối thành phố với các tỉnh Đông - Tây Nam bộ triển khai còn chậm. Do đó, giao thương hàng hóa 2 chiều giữa TPHCM với các tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM (HLA), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn nhận định, một trong những vấn đề quan trọng tác động đến hoạt động logistics là cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng của khu vực Đông Nam Bộ hiện vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn, dẫn đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp logistics trong quá trình hoạt động.
Theo đó, một số điểm nghẽn lớn có thể kể đến là hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu; đường biển và thủy nội địa phát triển chưa tương xứng; chưa có đường sắt kết nối; hạ tầng mềm là công nghệ, chuyển đổi số chưa phát triển;…
Nhằm giải quyết các vướng mắc này, từng địa phương đã đề xuất và triển khai nhiều phương án, chiến lược với mục tiêu cải thiện hơn hoạt động logistics, tăng cường kết nối logistics vùng. Việc kết nối hạ tầng vùng là một bài toán khó, đòi hỏi các địa phương phải cùng chung tay, phát huy tiềm lực của địa phương mình. Cùng với đó là đóng góp các sáng kiến nhằm hoàn thiện, thúc đẩy hoạt động logistics vùng thuận lợi nhất.
Hiện thực hóa thế mạnh
Theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm xuất hiện nhiều dịch vụ phát sinh đặc biệt. Thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam và thế giới cạnh tranh gay gắt khi thương mại điện tử phát triển vượt bậc với các hình thức dịch vụ logistics tiên tiến như E-logistics, Green logistics… khiến chi phí dịch vụ của doanh nghiệp logistics của Việt Nam còn tương đối cao.
Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định Việt Nam cần phải hiện thực hóa các thế mạnh tiềm năng. Đầu tiên phải phát triển hệ thống kho bãi.
Ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, muốn đón "sóng" logistics cần lưu ý đến phát triển và sử dụng kho bãi hiệu quả, tăng tốc độ xử lý đơn hàng, giảm chi phí. Ông Hiếu đánh giá, trong 3 năm tới, tăng trưởng của thương mại điện tử của Việt Nam dự báo sẽ tăng lên từ 15-20%, thậm chí là 50%. Vì vậy, vị trí các kho hàng cũng là yếu tố giúp tối ưu hóa việc chuyển hàng đến với khách hàng.
Ông Huỳnh Văn Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM (HLA), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn nhận định, một trong những vấn đề quan trọng tác động đến hoạt động logistics là cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng của khu vực Đông Nam Bộ hiện vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn, dẫn đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp logistics trong quá trình hoạt động.