Nghị định 15 hứa hẹn đơn giản hóa thủ tục hóa một cách tối ưu, tiết giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Thế nhưng, khi triển khai lại chưa nhận được sự thống nhất về cách hiểu, cũng như thời gian thực hiện giữa các cơ quan quản lý.
Doanh nghiệp chưa nắm rõ quy định mới về quản lý sản xuất thực phẩm.
Sau một thời gian dài chịu cảnh “một cổ mấy tròng” với hàng loạt quy định không hợp lý về an toàn thực phẩm trong sản xuất, mới đây Chính phủ quyết định cởi trói cho doanh nghiệp (DN) bằng Nghị định 15 – quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo Nghị định 15, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm. Ngoài ra sản phẩm nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phụ vụ sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm.
Nghị định 15 quy định rõ, ngay sau khi cơ sở sản xuất hồ sơ tự công bố sản phẩm cho cơ quan quản lý có thể bắt tay vào sản xuất. Trường hợp có hai cơ sở cùng sản xuất một sản phẩm chỉ cần làm hồ sơ công bố sản phẩm tại một địa phương. Đánh giá cao Nghị định 15, ông Trần Ngọc Liêm – Phó Giám đốc VCCI TP HCM cho rằng, Nghị định này cởi trói cho DN rất nhiều, giảm 90% thủ tục hành chính, tiết kiệm 10 triệu ngày công và hàng nghìn tỷ đồng cho DN thực phẩm.
Theo Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, chỉ có 2% hàng hóa nhập khẩu là rủi ro, trong khi đó tất cả lực lượng lại phải tập trung kiểm tra 98% hàng hóa không rủi ro. Theo ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Nghị định 15 thay đổi cơ bản phương thức quản lý thực phẩm. Mặc dù vẫn chịu trách nhiệm lớn song DN được trao quyền tự chủ. Hiện các đơn vị đang tích cực khiển khai tránh trường hợp hiểu khác nhau hoặc gây khó cho DN.
Được kỳ vọng khá nhiều vào Nghị định 15, thế nhưng DN chưa hài lòng vì tình trạng ách tắc do chậm hướng dẫn. Theo đó, có nhiều lô hàng nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất nội bộ không được hải quan thông qua theo quy định mới mà phải chờ hướng dẫn gây ách tắc và trì trệ trong sản xuất. Tại TP HCM, có DN than thở, hơn một tháng nay vẫn chưa biết đơn vị nào nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm. Ông Lê Minh Hải – phó Ban An toàn thực phẩm cho hay, tính đến thời điểm hiện nay Ban đã nhận được 127 hồ sơ tự công bố sản phẩm, Ban đang cập nhập trên website. Trường hợp DN thắc mắc không biết gửi đâu là do không nắm được thông tin nội bộ DN. Được biết, Nghị định 15 chính thức có hiệu lực từ ngày 2/2 nhưng đến ngày 26/2 mới có thông báo ngưng tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy hoặc các thủ tục liên quan khác để tìm hiểu Nghị định 15.
Nói về lộ trình triển khai Nghị định 15, Cục An toàn thực phẩm khẳng định, ngay sau khi Nghị định có hiệu lực yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện. Mong muốn của Cục là tổ chức triển khai trước Tết Nguyên đán nhưng không kịp. Hiện đã tổ chức triển khai cho 36 tỉnh miền Trung và miền Nam, trước đó tổ chức cho 27 tỉnh phía Bắc. Mục tiêu, cố gắng giải thích để DN rõ, tránh hiểu lầm không đáng và gây ra những bức xúc.