Kinh tế

Gỡ khó cho ngành tôm

Lê Bảo 20/02/2024 07:53

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, mặc dù xuất khẩu tôm đã có những khởi sắc trong tháng đầu năm 2024, nhưng doanh nghiệp lại đang đối mặt với những khó khăn mới, cần linh hoạt, chủ động ứng phó.

anh-bai-tren(3).jpg
Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Chu Khôi.

Xuất khẩu tôm đi Mỹ gặp nhiều khó khăn

Theo bà Phùng Thị Kim Thu, chuyên gia ngành tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2023, các sản phẩm tôm tươi, đông lạnh xuất khẩu (XK) sang Mỹ trong năm 2023 có xu hướng giảm nhẹ hơn so với các sản phẩm tôm chế biến.

Đáng chú ý, XK tôm sú sang Mỹ năm 2023 ghi nhận tăng trưởng dương, chủ yếu nhờ các sản phẩm tôm sú tươi, đông lạnh tăng 10% đạt 59 triệu USD. Tuy nhiên, theo bà Kim Thu, mặc dù có những chỉ số tích cực nhưng Mỹ vẫn cảnh giác với những rủi ro về xung đột vũ trang, có khả năng làm gián đoạn thị trường ngũ cốc và đẩy lạm phát tăng trở lại. Trong đó có xung đột tại Trung Đông. Điều này cũng tác động đến kim ngạch XK tôm ở thị trường này.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA), một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Mỹ đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. "Chưa rõ kết quả như thế nào, nhưng XK tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, căng thẳng Biển Đỏ đầu năm 2024, khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng, cũng là một chướng ngại cho doanh nghiệp trong năm 2024” - bà Thu cho biết.

Liên quan đến việc này, mới đây VASEP đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tích cực trong điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, quyết định việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vụ việc Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh.

Đẩy mạnh chế biến sâu

Trước việc Mỹ khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm Việt Nam, bà Thu cho rằng, doanh nghiệp cần chuẩn bị mọi mặt và tích cực để đáp ứng yêu cầu hồ sơ đồng thời chủ động nghiên cứu, nắm quy định, thủ tục điều tra chống trợ cấp của Mỹ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội và Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.

“Hiện nay tôm Việt vẫn tiếp tục cạnh tranh khốc liệt với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, giá tôm thế giới chưa thể phục hồi nhanh do tồn kho còn nhiều. Chi phí thức ăn nuôi tôm lớn và tăng cao, đồng thời dịch bệnh trên tôm nuôi chưa kiểm soát. Đây là những thách thức đặt ra cho ngành tôm Việt Nam năm 2024. Trên chặng đường vượt khó này, ngành tôm cần phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh và một trong những giải pháp được xác định đó là đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng (chế biến sâu) và tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi” - bà Thu nói.

Các chuyên gia cũng đánh giá, thị trường lớn như Mỹ khó tránh khỏi những thách thức, càng đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản phải luôn linh hoạt thích ứng và cần phải có những kịch bản cho nhiều tình huống xảy ra. Ở góc độ doanh nghiệp, theo TS Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Sao Ta (Fimex VN), để giữ được vị thế, duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, ngành tôm Việt Nam cần tiếp tục phát huy thế mạnh là năng lực chế biến sâu. Nếu duy trì và phát huy được thế mạnh này, tôm Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục giữ được vị trí số 1 tại các thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Anh, đồng thời duy trì được thị phần ở Mỹ, Trung Quốc và nâng cao thị phần tại Liên minh châu Âu (EU).

Thực tế, hiện nay nhờ trình độ chế biến cao nên tôm Việt Nam đang có thị phần lớn nhất tại những thị trường ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Anh. Đồng thời, các sản phẩm giá trị gia tăng cũng giúp tôm Việt Nam duy trì được thị phần tại Mỹ trước sức ép cạnh tranh rất gay gắt của tôm Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.

Để đẩy mạnh XK tôm, theo Vassep vấn đề mấu chốt quan trọng của mặt hàng tôm nuôi là vấn đề giống. Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát chất lượng con giống tôm nuôi, đảm bảo không có con giống kém chất lượng, dịch bệnh ra thị trường. “Ngành nuôi cần có sự căn cơ hơn, tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn nhằm có nền tảng quy hoạch tổng thể khu nuôi mang tính khoa học, hợp lý… Với sự cạnh tranh mạnh từ các nước, hiện tại ngành tôm nên tập trung vào khâu nuôi nhiều hơn để chất lượng và giá thành ổn định, giúp tăng khả năng cạnh tranh của tôm Việt” - VASEP kiến nghị.

Theo nhận định của VASEP, ngành tôm đang hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, các mặt hàng hải sản còn lại dự báo thu về khoảng 3,6-3,8 tỷ USD. Thị trường sẽ phục hồi dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho ngành tôm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO