Giải quyết tình trạng được mùa mất giá, đảm bảo giá trị cho sản phẩm nông nghiệp trong xuất khẩu, hỗ trợ ngư dân; xử lý hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu… là những vấn đề lớn được các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trong ngày chất vấn đầu tiên, 6/11.
“Thủ tướng đã chỉ đạo 28 tỉnh tổng kết việc thực hiện Nghị định 67, từ đó đưa ra các chính sách, phương pháp mới thay thế những gì không phù hợp” – Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Quang Vinh.
Nhiệm kỳ này có hết cảnh được mùa rớt giá?
ĐB Châu Chắc (An Giang) đặt câu hỏi, hiện giá lúa và nông sản còn bấp bênh, nông dân vẫn chịu cảnh “được mùa mất giá” vậy sắp tới Bộ trưởng Bộ NNPTNT có giải pháp đột phá gì để phát triển thương hiệu gạo Việt Nam nhằm tăng giá trị của hạt gạo trong xuất khẩu, hỗ trợ cho người trồng lúa? Còn ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm rõ tình trạng “giải cứu” nông sản có hết trong nhiệm kỳ ông làm Bộ trưởng?
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh. Trên thế giới có 7 tỷ người, chỉ 3,5 tỷ người ăn gạo, sản lượng lúa gạo thương mại toàn cầu hàng năm khoảng 36 triệu tấn, với kim ngạch thương mại 3,2 tỷ USD. Chính điều kiện khách quan đó đã tạo áp lực và giới hạn việc xuất khẩu gạo. Theo Bộ trưởng, Quốc hội đã có nghị quyết về bảo vệ đất lúa. Thời gian qua Chính phủ đã thực hiện theo chủ trương này, tuy nhiên Việt Nam hiện có 7,8 triệu ha đất canh tác, trong đó đất lúa chiếm tới 4,1 triệu ha. Tới đây, Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội giảm dần diện tích đất lúa khoảng 0,5 triệu ha, tương đương giảm 5-6 triệu tấn thóc, 3-4 triệu tấn gạo, thay vào đó sẽ dành phần đất canh tác cho các cây trồng khác hiệu quả hơn.
Để nâng cao giá trị hạt gạo trong xuất khẩu, theo Bộ trưởng, lúa gạo không chỉ là mặt hàng bán bình thường mà trở thành dược phẩm, thực phẩm chức năng. Hiện nay sản phẩm dầu cám gạo đem lại giá trị cao hơn sản lượng gạo tự nhiên. Nhiều doanh nghiệp cùng nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư vào lĩnh vực này. Ở Quảng Trị vừa qua đã xây dựng mô hình 600 ha làm lúa gạo hữu cơ, mục đích là phát triển những gì tinh tuý nhất của hạt gạo. “Đây là những hướng đi đúng và sẽ giúp nâng cao giá trị hạt gạo”-Bộ trưởng Cường cho biết.
Trả lời ĐB Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) về giải pháp để tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện rất lớn, với 45 triệu tấn lương thực, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, nhiều loại cây công nghiệp nhất thế giới về sản lượng. Sức sản xuất rất lớn nhưng bất cập nhất là chế biến, thương mại, nếu không giải quyết được vấn đề này thì không giải quyết được chuyện được mùa, mất giá. “Nhiều thì thừa là tất yếu”-Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và cho biết Bộ đã tìm giải pháp, bàn với địa phương tới đây tập trung chế biến, tổng rà soát để phát triển sản xuất ở mức độ nhất định, mời một số doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào. Thị trường cần cái gì ta làm cái đó.
ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) hỏi, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp, vậy Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc thu hút doanh nghiệp và giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn? Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên 11.800 đơn vị; hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đều góp mặt và đầu tư trải dài khắp vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, 11.800 đơn vị cùng với 49.000 doanh nghiệp đầu tư gián tiếp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, khi chỉ chiếm 8% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Về giải pháp căn cơ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, sẽ tiếp tục tham mưu chính sách với Chính phủ và Quốc hội, trong đó có việc thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Vì khuôn khổ pháp lý tốt sẽ giúp thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
ĐBQH Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) phát biểu tại Hội trường, ngày 6/11. Ảnh: Quang Vinh.
“Giải cứu” ngư dân
ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn về việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về đóng mới tàu vỏ thép cho ngư dân nhưng đến nay có hơn 60 tàu vỏ thép dừng hoạt động, nợ xấu tồn đọng lớn. ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cũng bày tỏ băn khoăn về việc: Thực hiện Nghị định 67 nhiều ngư dân đã vay mượn để đóng tàu vươn khơi nhưng lại trở thành con nợ.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Việc ban hành Nghị định 67 là cần thiết để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trong số các tàu sắt đóng mới có 55 chiếc nằm bờ không ra khơi được do đánh bắt không hiệu quả, ngư trường quá tải, chủ tàu mất, hoặc không có điều kiện hoạt động nên muốn chuyển đổi. Theo Bộ trưởng, Thủ tướng đã chỉ đạo 28 tỉnh tổng kết thực hiện Nghị định 67, từ đó đưa ra các chính sách, phương pháp mới thay thế những gì không phù hợp.
Giải trình thêm về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tổng dư nợ cho vay thực hiện Nghị định 67/2014 hiện khoảng 10.500 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 33%. Sau khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương tới đây sẽ có giải pháp căn cơ. Trong thẩm quyền của mình, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, tập trung thu nợ trước, thu lãi sau.
Giải trình thêm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Để ngành Thủy sản phát triển bền vững, phải phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu trên cơ sở khai thác lợi thế từng vùng, địa phương. Chính phủ tập trung tái cấu trúc ngành Thủy sản gắn với phát triển của từng địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu từ đầu vào, nuôi trồng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao chất lượng sức cạnh tranh, chuyển từ khai thác theo truyền thống sang khai thác kiểu công nghệ, chất lượng cao để đảm bảo nâng cao hiệu quả, nâng cao giá trị.
“Phải chuyển mạnh sang nuôi trồng trên biển, coi đây là đột phá trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Bên cạnh đó có những chính sách đổi mới sáng tạo trong nuôi trồng thủy sản, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho ngư dân, nâng cao chất lượng đầu tư các dự án của ngành Thủy sản, đóng mới tàu thuyền, và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường cho thủy sản Việt Nam”-Phó Thủ tướng cho biết về giải pháp sẽ được Chính phủ đẩy mạnh trong thời gian tới.
“Với những ưu đãi thuế quan và những điều kiện khác trong tiếp cận thị trường đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy có các sản phẩm đội lốt xuất xứ hàng hoá của Việt Nam để tranh thủ các ưu đãi về thuế quan” - Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Quang Vinh.
Ngăn chặn hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt để xuất khẩu
Cuối giờ chiều Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trả lời các ĐB về việc cung ứng điện và tình trạng hàng nước ngoài gắn nhãn mác hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu đi các nước khác.
ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cho rằng, việc đưa điện về vùng nông thôn, nhất là vùng miền núi thời gian qua đã có sự chậm trễ, vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Và giải pháp nào để khắc phục trong thời gian tới. Bà Thanh cũng phản ánh, tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nhãn mác hàng Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rồi xuất khẩu sang nước khác được cảnh báo từ lâu, song chậm xử lý. Nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý thế nào?
Thừa nhận về sự chậm trễ trong đưa điện về nông thôn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ dự kiến đầu tư các dự án với tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng từ năm 2017. Sau đó năm 2018, Bộ Công thương theo chỉ đạo của Chính phủ đã xây dựng các kế hoạch cung cấp vốn cho những dự án này bao gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn của Tập đoàn Điện lực, nguồn vốn từ các địa phương và nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế bao gồm Ngân hàng thế giới, Liên minh châu Âu và các tổ chức khác. Nhưng sang năm 2018 do nợ công đạt mức cao nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể tất cả những chương trình đang sử dụng các nguồn vốn vay dưới danh nghĩa quốc gia. Chính vì vậy, sau đó các bộ, ngành đã báo cáo Chính phủ tạm thời không xem xét để đưa nguồn vay từ Ngân hàng thế giới và Liên minh châu Âu, do đó các dự án mới triển khai được 10%, giải ngân khoảng 18,5%.
Theo Bộ trưởng, sau khi Quốc hội và Chính phủ có những nỗ lực thực hiện an toàn nợ công để đảm bảo thuận lợi hơn cho việc triển khai, Bộ Công thương đã báo cáo với Chính phủ kiến nghị với Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục sử dụng nguồn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế để phục vụ cho việc triển khai thực hiện dự án này.
Liên quan đến việc hàng nước ngoài gắn mác hàng Việt Nam để xuất khẩu đi các nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Trên thực tế chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới cũng như các hiệp định thương mại tự do. “Với những ưu đãi thuế quan và những điều kiện khác trong tiếp cận thị trường đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy có các sản phẩm đội lốt xuất xứ hàng hoá của Việt Nam để tranh thủ các ưu đãi về thuế quan”- Bộ trưởng cho hay và nhìn nhận: Lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày cũng có dấu hiệu tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đã được phát hiện.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng cho biết, đã báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp cùng xử lý.
Về giải pháp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 824 phê duyệt Đề án về phòng vệ thương mại, đặc biệt tập trung đấu tranh những hành động gian lận thương mại. Các Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và địa phương có trách nhiệm tăng cường, đấu tranh có hiệu quả đối các hoạt động gian lận, sử dụng xuất xứ từ Việt Nam để xuất khẩu bất hợp pháp.