Trong khi các cụm rạp như CGV, Lotte, BHD, Platium… nhộn nhịp khách xem, nhất là các dịp nghỉ lễ, cuối tuần, thì nhiều rạp chiếu phim nằm ngay mặt tiền những đường phố trung tâm của Hà Nội lại lâm cảnh đìu hiu.
Khó cạnh tranh
Mặc dù xây dựng rất khang trang nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm, thế nhưng lượng khách đến rạp Kim Đồng (phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) vẫn rất thưa vắng. Cũng ở con phố đó, cùng chung cảnh ngộ là rạp Tháng 8. Còn rạp Dân chủ, sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với người dân Thủ đô giờ cũng đã trở thành quá khứ.
Trong khi các rạp Nhà nước lần lượt rơi vào tình trạng đìu hiu sau một thời vang bóng thì các rạp chiếu phim tư nhân lại thu hút lượng khách rất mạnh, nhất là những tên tuổi như CGV và Lotte, chiếm tới gần 80% thị phần rạp chiếu.
Vậy vì đâu lại có nghịch lý như vậy? Một số ý kiến cho rằng, do sức ép từ sự cạnh tranh với các hệ thống rạp có vốn đầu tư nước ngoài, tư nhân. Vì không được trang bị các hệ thống, thiết bị chiếu phim hiện đại, cơ sở hạ tầng cũ, lạc hậu, các hoạt động đi kèm không thu hút khán giả nên không thể triển khai hoạt động chiếu phim kinh doanh tại rạp. Nhiều người chia sẻ, đi qua rạp Tháng 8 có cảm giác như rạp không hoạt động bởi sự vắng vẻ và cũ kỹ.
Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngân sách nhà nước hàng năm cấp cho Viện Phim còn hạn chế, kinh phí hoạt động thấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, quy mô nhỏ, nguồn nhân lực tổ chức khai thác vận hành các đơn vị này còn thiếu. Cùng với đó, công nghệ điện ảnh ngày càng phát triển khiến cho các rạp chiếu phim của Viện hoạt động khó khăn, không thu hút được khách đến rạp xem. Từ đầu năm 2014, Viện đã tạm dừng hoạt động chiếu phim dịch vụ tại rạp Ngọc Khánh và chỉ còn duy trì các hoạt động chiếu phim chuyên đề, các chương trình giao lưu điện ảnh.
Tính ra, cả nước chỉ còn 12 cụm rạp của Nhà nước còn hoạt động. Hệ thống rạp chiếu phim nhà nước hoạt động trong tình trạng kém hiệu quả. Trong đó, việc sáp nhập các trung tâm chiếu bóng với các trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, triển lãm, nghệ thuật... ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng không có khán giả, không còn hoạt động dịch vụ chiếu phim.
Hệ thống rạp chiếu phim nhà nước đang gặp nhiều khó khăn và đó cũng là cơ hội để các rạp tư nhân, rạp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, Hà Nội hiện chỉ có một Trung tâm Chiếu phim quốc gia thuộc Nhà nước quản lý; còn một số rạp khác thuộc Công ty điện ảnh thì số lượng phần chiếu không nhiều, thiết bị chiếu chưa được trang bị hiện đại… vì vậy rất khó cạnh tranh, hút khách đến rạp.
Tìm cách gỡ khó
Để khắc phục tình trạng khó khăn này, một số ý kiến cho rằng, Nhà nước nên có chính sách đầu tư, tu bổ, nâng cấp, cải tạo lại các rạp chiếu phim, trung tâm phát hành phim đã cũ, máy móc lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu xem phim của khán giả. Có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ các cơ sở hoạt động điện ảnh về thuế, phí...
Cùng với đó, tạo điều kiện để các đội ngũ cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực phổ biến phim đi học các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, nâng hiệu quả kinh doanh, đẩy mạnh quảng bá.
Ngoài ra, thay đổi về thời gian chiếu cũng là vấn đề rất quan trọng. Việc chiếu sau các đơn vị tư nhân dẫn đến khi phim được chiếu không còn thu hút được nhiều khán giả. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các rạp chiếu cũng như thiệt thòi cho các đơn vị Nhà nước trong việc phổ biến phim.
Vì vậy, Trung tâm Chiếu phim quốc gia đề xuất việc các cụm rạp nhà nước được phổ biến phim cùng thời điểm với các doanh nghiệp tư nhân như CGV, Lotte, Galaxy và không áp doanh thu với bất kỳ hình thức nào.
Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Nguyễn Văn Nhiêm cho rằng, những khó khăn của rạp chiếu phim đã được chỉ ra và được nói đến nhiều, tuy nhiên những giải pháp đưa ra vẫn chung chung, thiếu quyết liệt. Vấn đề quy hoạch hệ thống chiếu bóng của chúng ta chưa đáp ứng được với nhu cầu của xã hội. Để vượt ra cái khó khăn thì trước hết là chất lượng phim, phải ưu tiên phim Việt phát hành tại rạp vì đó chính là nội lực. Không thể trông chờ vào phim nước ngoài để thu hút khán giả, để vượt qua khó khăn.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân cho rằng, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chiếu phim hiện đại thì dịch vụ đi kèm phải hấp dẫn người xem, bởi hiện nay xem phim là hoạt động thưởng ngoạn văn hóa thú vị. Các rạp chiếu phim cũng phải đổi mới chuyên mục, nguồn phim phải luôn luôn đổi mới. Cùng với đó, công tác truyền thông cần thực hiện tốt mới có thể cạnh tranh được.