Tự chủ đại học (ĐH) ngày càng sâu rộng nhưng các trường ĐH địa phương lại đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có việc khó tuyển sinh và thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức, người lao động.
Không tuyển đủ chỉ tiêu
Những năm gần đây, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm, ĐH địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh. Ghi nhận tại Trường ĐH Quảng Bình, lúc cao điểm trường có 10.000 sinh viên, nay chỉ còn 1.000 sinh viên, dẫn đến số giảng viên dôi dư nhiều, không đủ kinh phí để trả lương, đóng bảo hiểm cho nhiều giảng viên, dẫn đến nợ lương của hơn 100 giảng viên nhiều tháng nay. Một trong những giải pháp về tuyển sinh đó là Trường ĐH Quảng Bình mong muốn được giảng dạy bậc THPT nhằm tranh thủ nguồn lực chất lượng cao từ đội ngũ giảng viên, tránh nợ lương, bảo đảm con em Quảng Bình có cơ sở vật chất học tập tốt. Tuy nhiên, đề án này đã không được thông qua dẫn đến khó khăn nối tiếp khó khăn.
Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cũng gặp khó trong tuyển sinh, không đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao, dẫn đến nợ lương của hơn 100 cán bộ, giảng viên từ năm 2023. Lãnh đạo nhà trường chỉ ra nguyên nhân đó là nhu cầu trường nào cũng tuyển sinh đông nhưng lượng học sinh vào cao đẳng, ĐH lại có hạn. Mặt khác, đa số học sinh sẽ chọn vào các trường cao đẳng, ĐH ở những thành phố lớn thay vì chọn những trường ở tỉnh nên khó giữ chân và thu hút thí sinh.
Chia sẻ quan điểm này, TS Phạm Thị Ánh Nguyệt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình cho biết, việc các trường ĐH trong cả nước cùng đưa ra nhiều chính sách học bổng ưu đãi lớn chưa thực sự hiệu quả, tạo sức nóng thiếu bình đẳng trong cạnh tranh tuyển sinh giữa các trường ĐH lớn với các trường ĐH địa phương. Về nguyên nhân chủ quan từ chính các trường ĐH địa phương, công tác tổ chức đào tạo còn một số hạn chế, như thiết kế chương trình đào tạo chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, triển khai chương trình đào tạo chưa đảm bảo tính liên ngành, xuyên ngành, chưa thực sự liên kết đào tạo theo hướng mở, tạo mối quan hệ, cơ hội để người học có thêm thực tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục ĐH…
Cần tăng cường nguồn lực đầu tư
Bức tranh tuyển sinh ảm đạm của nhiều trường cao đẳng, ĐH địa phương thời gian qua đòi hỏi những giải pháp cấp thiết để các trường tiếp tục tồn tại và phát triển theo đúng định hướng là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.
Ông Trần Lăng - Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên đề xuất, cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với từng trường và từng địa phương, tạo bản sắc riêng để tồn tại và phát triển. Trong đó, cần chú trọng liên kết với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng.
Các cơ sở giáo dục địa phương cần được hỗ trợ bằng chính sách đặt hàng; đào tạo từ các doanh nghiệp, trong quá trình đào tạo nhà trường mời doanh nghiệp tới trường để tuyển dụng sinh viên. Đặc biệt, nhà trường cũng có những ưu đãi cho sinh viên khi vào trường như cam kết chất lượng đầu ra, việc làm… nhằm "trải thảm" đón sinh viên.
TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam cho rằng, trường ĐH địa phương giúp cho nhiều học sinh nông thôn có cơ hội tham gia, tiếp cận vào giáo dục ĐH. Phương thức hoạt động của các trường ĐH địa phương gắn với nhu cầu học tập đa dạng của cộng đồng. Để giải quyết bài toán phát triển của các trường này, theo ông Khuyến, cần đồng bộ nhiều giải pháp từ sự chủ động từ chính các trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tuyên truyền thay đổi nhận thức của người học và xã hội về nhà trường. Đồng thời, cần thêm nhiều hơn những chính sách quan tâm, tăng cường nguồn lực cho giáo dục tại địa phương bằng cách giao nhiệm vụ, bổ sung ngân sách nhằm tạo điều kiện cho các trường phát triển tốt hơn.
Đối với xu hướng nhiều trường ĐH địa phương sáp nhập để trở thành trường thành viên của ĐH quốc gia/vùng, nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét tình hình thực tế của từng trường để có phương án phù hợp. Nếu chỉ “thay tên đổi họ”, chuyển giao quản lý và có thể có vài hỗ trợ khác thì chưa thực sự giúp các trường ĐH địa phương bứt phá. Việc cần làm trước mắt đó là cần có sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương, các ĐH lớn tư vấn để xây dựng chính sách chung, giúp các trường địa phương hoạt động ổn định, đồng thời xây dựng hướng, kế hoạch phát triển lâu dài. Còn nếu để các trường địa phương tự loay hoay tìm giải pháp thì sẽ rất khó.