Điểm mới của của Thông tư 22 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành là cấp có thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia sẽ được chuyển cho Giám đốc Sở GDĐT.
Từ ngày 25/1/2025, Thông tư số 22/2024 của Bộ GDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học sẽ chính thức có hiệu lực với một số quy định mới.
Trong đó, Thông tư 22 đã sửa đổi, bổ sung về bộ tiêu chuẩn đánh giá để thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như tiêu chuẩn quy định về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quy định về thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo phân cấp tại Quyết định số 1015 ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, phân cấp thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ chủ tịch UBND cấp tỉnh về cho Giám đốc sở GDĐT. Quy định này phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước.
Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy đến ngày 31/5/2024, kết quả thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trên phạm vi toàn quốc đạt được một số kết quả như cấp học mầm non có 61,5% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và 56,3% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp tiểu học có 67,2% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và 62,8% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp THCS có 72,3% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và 72,3% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp THPT có 56,1% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và 49,6% trường đạt chuẩn quốc gia; trường phổ thông nhiều cấp học, có 47,1% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và 44,2% trường đạt chuẩn quốc gia.
So với năm học 2022-2023, các tỷ lệ này đa số đều cao hơn. Trong đó, có nhiều đơn vị đạt được kết quả cao trong thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, việc đánh giá ngoài đối với trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông chưa được triển khai đồng đều giữa các địa phương. Một số địa phương tỷ lệ đánh giá ngoài còn thấp hơn tỷ lệ đánh giá ngoài trung bình chung cả nước như Bắc Kạn, Bình Dương, Cao Bằng, Đồng Tháp, Phú Yên, Thừa Thiên Huế. Nguồn kinh phí, cơ chế để triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng, công nhận trường chuẩn quốc gia còn khó khăn.
Việc đầu tư kinh phí cho giáo dục của nhiều chính quyền, địa phương còn hạn chế, vì vậy, một số trường học có cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng học, thiết bị các phòng chức năng, thiết bị hư hỏng chưa được trang bị bổ sung. Các trường được thiết kế trước đây không còn phù hợp với quy định mới gây khó khăn cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Với thay đổi về thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo Thông tư 22, các chuyên gia kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn do hiện nay nhiều địa phương đã và đang thực hiện sáp nhập các trường học thành trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư 22 sẽ là hành lang pháp lý, giúp công tác quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này được phù hợp, bám sát thực tiễn với sự quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đầu tư nguồn lực cho giáo dục địa phương từ các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Từ phía địa phương, ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GDĐT Phú Thọ thông tin, tỉnh có số trường được đánh giá ngoài gắn với công nhận trường đạt chuẩn quốc gia khá cao (chiếm 92,5%). Để triển khai công việc này, Sở có kế hoạch cho các đơn vị tự đánh giá và đánh giá ngoài từ năm trước để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, không quá áp lực về thời gian. Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn về kiểm định chất lượng giáo dục, toàn tỉnh hiện có trên 700 người được tập huấn, bồi dưỡng cấp chứng chỉ sẵn sàng tham gia công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài…