Trong giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh luôn chọn những vấn đề hóc búa, gắn liền với quyền và lợi ích thiết thực nhất của nhân dân. Chuyên đề giám sát “Công tác quản lý nhà nước đối với công chức địa chính - xây dựng - đô thị (nông thôn) và môi trường cấp xã” là một chuyên đề như thế.
Những ngày cuối tháng 11/2021, Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch Phạm Thị Thu Hà dẫn đầu thực hiện giám sát chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước đối với công chức địa chính - xây dựng - đô thị (nông thôn) và môi trường cấp xã”. Đoàn giám sát trực tiếp và gián tiếp tại thị xã Kỳ Anh, huyện Hương Khê. Để thiết thực hiệu quả, đoàn “gõ cửa” những người dân đã và đang làm việc với công chức địa chính các xã/phường trên địa bàn 2 huyện nói trên. Qua đó tiếp nhận những tâm tư của người dân về trách nhiệm, năng lực, trình độ và cả thái độ làm việc, đạo đức công vụ của công chức địa chính.
Thị xã Kỳ Anh, nơi có khu kinh tế Vũng Áng sôi động với nhiều dự án “tỷ đô” đã và đang triển khai, giải phóng mặt bằng nhiều, thế nhưng xung quanh công tác quản lý nhà nước về công chức địa chính cấp xã lại có nhiều vấn đề khiến lãnh đạo địa phương “đau đầu”. Hiện thị xã có 91 công chức cấp xã, trong đó 16 công chức địa chính. Về trình độ chuyên môn, có 4/16 công chức trình độ trung cấp và 11/16 công chức trình độ đại học, 1/16 công chức có trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, từ 2015 đến nay, thị xã Kỳ Anh không thực hiện tuyển dụng cấp xã và địa phương đang thiếu tới 7 công chức địa chính.
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Kỳ Anh, việc chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ, ngoài phòng, chống tiêu cực còn tạo điều kiện cho công chức có điều kiện tiếp xúc với nhiều địa bàn, môi trường khác nhau nhằm phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của cán bộ công chức. Tuy nhiên, việc luân chuyển theo hạn định gặp nhiều khó khăn, nhất là địa phương có địa bàn rộng và phức tạp. Các công chức địa chính xã phải mất khoảng 2 năm hoặc hơn mới am hiểu và nắm rõ địa bàn. Đến lúc vững kiến thức, chuyên môn thì lại đến thời hạn luân chuyển. Việc luân chuyển cũng ảnh hưởng đến quy hoạch nhân sự tại địa phương.
Đoàn giám sát chỉ ra, lĩnh vực tài nguyên - môi trường hết sức nhạy cảm, phức tạp, số lượng công chức được giao để xử lý về đất đai mỗi xã, phường chỉ 1 người trong khi đó vừa phải thực hiện trực tại bộ phận một cửa, vừa phải xử lý chuyên môn ở cơ quan và thực địa. Hầu hết công chức địa chính đã nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận công chức còn thiếu chịu khó nghiên cứu các văn bản chuyên ngành kỹ năng giao tiếp với nhân dân, kỹ năng phân bổ thời gian xử lý công việc chưa khoa học… nên một số công việc xử lý chưa kịp thời dẫn đến dồn việc, chậm tiến độ. Một số công chức còn vi phạm buộc phải xử lý kỷ luật.
Đối với vấn đề thiếu 7 công chức địa chính cấp xã ở thị xã Kỳ Anh, bà Phạm Thị Thu Hà đề nghị địa phương sớm tuyển dụng và việc tuyển dụng phải đảm bảo theo quy định, lựa chọn những công chức hội tụ đầy đủ phẩm chất và năng lực, chú trọng việc chuẩn hóa công chức địa chính…
Đối với việc luân chuyển vị trí công tác của công chức địa chính, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, đây không phải là vấn đề của riêng thị xã Kỳ Anh mà của tất cả các địa phương trên toàn tỉnh. “Chúng tôi rất chia sẻ với địa phương, đoàn giám sát sẽ có ý kiến với lãnh đạo UBND tỉnh để kịp thời điều chỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian đoàn giám sát chưa có ý kiến kiến nghị và chưa có các văn bản điều chỉnh, chúng tôi đã đề nghị địa phương tiếp tục thực hiện việc luân chuyển công chức địa chính theo đúng quy định” - bà Hà nói.
“Chuyên đề giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh rất kịp thời, chúng tôi hết sức hoan nghênh đoàn giám sát thực hiện nội dung này. Qua đây, địa phương vừa nhìn nhận được những vấn đề bất cập, vừa góp tiếng nói giúp địa phương hoàn thiện công tác quản lý công chức địa chính, vừa thúc đẩy quá trình chuẩn hóa cán bộ địa chính và giải quyết những khó khăn địa phương đang vấp phải” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Thế Anh nói.