Muốn chủ động nguyên liệu, tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường, hưởng thuế suất 0%,… từ các hiệp định thương mại đòi hỏi ngành da giày phải chủ động xây chuỗi giá trị nội địa, đồng thời hướng đến chuỗi giá trị toàn cầu.
Ảnh minh họa.
Ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết, Việt Nam đang chiếm 4,3% thị phần sản xuất của ngành giày thế giới. Theo đó, tại khu vực châu Á, ngành da giày Việt Nam đứng hàng thứ 3 sau Trung Quốc, Ấn Độ.
Riêng trên thị trường chung của thế giới kim ngạch xuất khẩu da giày Việt đứng vị trí thứ tư, sau Brazil. Đại diện Lefaso thông tin, trong năm qua, nhu cầu nhập khẩu giày dép của thế giới là 133 tỷ USD, trong đó EU vẫn dẫn đầu với kim ngạch nhập chiếm 38%, kế đó là thị trường châu Á chiếm 36%, thị trường châu Mỹ là 23%.
Đánh giá cao hiệu quả xuất khẩu da giày vào thị trường EU, Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương nhận định, ngay sau khi Hiệp định thương mại Việt Nam - EU có hiệu lực, mặt hàng giày dép có mũ bằng cao su xuất khẩu sang 5 nước Liên minh Kinh tế Á - Âu (Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) cũng đã được hưởng thuế suất ưu đãi 0%.
Phía Lefaso lại cho rằng, với thị trường EU, Việt Nam đang chiếm 33% thị phần. Khi hiệp định thương mại Việt Nam – EU chính thức có hiệu lực thì 44% dòng thuế giày dép tương đương 42% tổng giá trị Việt Nam xuất khẩu vào EU được hưởng lợi, các dòng thuế còn lại sẽ cắt giảm từ từ trong 7 năm.
Kỳ vọng vào thị trường xuất khẩu của các nước nội khối từ hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Lefaso khẳng định, 12 nước thuộc TPP đang chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của giày Việt Nam. Dự báo của các chuyên gia trong ngành, thời gian sắp tới đây ngành da giày Việt Nam càng có điều kiện phát triển mạnh khi thuế suất vào thị trường các nước về 0% thông quan hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hóa khi sản phẩm da giày vào thị trường các nước ngành da giày trong nước đang từng bước củng cố và phát triển. Theo thống kê, hiện toàn ngành đang có khoảng 800 công ty sản xuất da, giày dép và túi xách được phân bố chủ yếu tại Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Long An…
Trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 77% số lượng với 35% kim ngạch xuất khẩu. Còn lại, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 23%, đáp ứng hơn 65% kim ngạch xuất khẩu.
Không chỉ đẩy mạnh đáp ứng các yêu cầu chung ngành da giày trong nước đang được hoạch định hướng phát triển theo chuỗi giá trị. Đây là điểm yếu mà từ trước đến này ngành này chưa thể thực hiện một cách rốt ráo. Thực tế chứng minh rõ, rất ít doanh nghiệp thực hiện được chuỗi toàn cầu vì chuỗi toàn cầu đòi hỏi phải gắn với thương hiệu lớn như Nike, Adidas,…
Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại làm rất tốt chuỗi giá trị toàn cầu, bao gồm: thương hiệu, nhà máy sản xuất, nhà máy nguyên phụ liệu ở Việt Nam và nước ngoài. Không thể xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu nhưng kỳ vọng xây dựng chuỗi giá trị nội địa hoàn toàn trong tầm tay. Với chuỗi liên kết nội địa doanh nghiệp được hai điều. Trước tiên sẽ phát triển thị trường nội địa.
Tức là mua nguyên liệu từ những nhà cung ứng nội địa rồi sản xuất, bán hàng trong chuỗi phân phối nội địa, nâng thị phần nội địa. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết nội địa giúp doanh nghiệp da giày nâng sức cạnh tranh đối với sản phẩm nước ngoài. Do những thương hiệu lớn thường chỉ định những nhà sản xuất lớn, cho thương hiệu lớn. Cho nên, việc cung cấp chuỗi liên kết trong nước giúp chúng ta thoát khỏi sự lệ thuộc nguyên liệu.