Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp

Trung Hiếu Ảnh: Kỳ Anh 24/04/2018 14:30

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành địa phương về những kiến nghị giám sát trong 3 năm qua để từ đó tạo thuận lợi, tháo gỡ về cơ chế chính sách, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp

Đoàn chủ toạ buổi công bố báo cáo kết quả giám sát.

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với, Bộ Tài Chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức công bố báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Dự Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và đại diện các đơn vị tham gia chương trình phối hợp giám sát, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.

Giảm thiểu thủ tục hành chính

Triển khai chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan đã được 6 cơ quan chủ động triển khai. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chủ trì khảo sát, điều tra xã hội học đối với gần 100 hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã và 11 tỉnh thành phố. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức 3 đoàn giám sát tại Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM.

Sau 3 năm thực hiện các Nghị quyết số 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, Cục Thuế và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đã chủ động,sáng tạo để tự đổi mới mình, thực hiện tối đa những mục tiêu, yêu cầu mà các Nghị quyết đề ra.

Các đơn vị đã xác định được tôn chỉ, mục đích “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành” đã lan tỏa sức nóng của các Nghị quyết đi vào cuộc sống, xuống tới từng chi cục, từng cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, nhờ những nỗ lực đổi mới, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan nên thu ngân sách nhà nước năm 2017 của ngành thuế đạt 1.019.041 tỷ đồng (bằng 105,2% dự toán); ngành hải quan đạt 297.082 tỷ đồng (tăng 5,04% so với năm 2016) và đặc biệt là đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hơn 560.000 doanh nghiệp- lực lượng quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 15,2% nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, thu hút hơn 14 triệu lao động việc làm. Năm 2017, riêng khối doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp 32,3% cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Và một điểm đáng chú ý, trong 3 năm liên tiếp (2014-2016), Bộ Tài chính luôn được xếp thứ 2 trong bảng chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính, ngành Thuế, Hải quan trong thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Đặc biệt, việc chuyển từ nộp thuế, kê khai thuế sang nộp thuế điện tử là một cuộc cách mạng lớn, được doanh nghiệp đánh giá cao.

Nhưng theo ông Thanh, dư địa của 2 lĩnh vực này còn nhiều, cần tiếp tục cải thiện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Hoàn toàn có thể giảm thiểu nhiều hơn các điều kiện kinh doanh, giảm thiểu các thủ tục hành chính.

“Vừa qua Thủ tướng chủ trì hàng loạt các hội nghị toàn quốc về chi phí logictis, xuất khẩu, đầu tư xây dựng… đã cho thấy, chi phí logictis hiện nay quá cao, vẫn lên tới 30-35%. Thủ tục thuế, hải quan cũng là nguyên nhân gây nên chi phí logictis cao. Phải làm sao giảm xuống dưới còn 20%, nếu không doanh nghiệp sẽ thua ngay trên sân nhà”, ông Thanh nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam Phạm Công Tham cũng kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị rủi ro về thuế, cũng như tiếp tục giảm thủ tục kinh doanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Ý kiến của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng vẫn có nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Ngoài thủ tục thuế, hải quan còn nặng nề, doanh nghiệp cũng “phàn nàn” vì nhiều loại phí đổ lên đầu doanh nghiệp.

Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp - 1

Quang cảnh hội nghị.

Tập trung giám sát những điểm nghẽn

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị trong thời gian tới quan trọng nhất là nghiên cứu cải cách thể chế, tiếp tục sửa đổi pháp luật liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan để có những giải pháp tránh tình trạng chồng chéo, bất hợp lý, thúc đẩy mạnh mẽ mục tiêu của Chính phủ là phải giảm được tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành.

Ông Lộc cũng cho rằng, cùng với việc tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát của MTTQ trong lĩnh vực thuế, hải quan nên mở rộng giám sát vào những điểm nghẽn, điểm yếu nhất trong bộ chỉ số của Việt Nam về nâng cao năng lực cạnh tranh, đó là khởi sự kinh doanh và giải quyết phá sản của doanh nghiệp.

Không thỏa mãn với kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nhiệm vụ đặt ra trong công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế hải quan trong thời gian tới còn rất nặng nề.

Bộ trưởng Tài chính cho rằng, cùng với việc tiếp tục cải cách về thể chế chính sách thì việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan cần tập trung vào các giải pháp như đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức về cải cách hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa quản lý thuế, hải quan, đảm bảo thực hiện kê khai nộp thuế, hoàn thuế điện tử và hải quan điện tử.

Đặc biệt cần tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính cắt giảm điều kiện kinh doanh theo hướng đơn giản, giảm thiểu việc tiếp xúc giữa cán bộ công chức với người dân, doanh nghiệp; đồng thời công khai minh bạch quy trình, quy chế nâng cao hiệu quả giám sát…

Tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, qua 3 năm thực hiện, chương trình giám sát đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đồng tình từ đó tạo ra chuyển biến tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp - 2

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Dẫn chứng từ báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 được Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố ngày 26/9/2017, Việt Nam tăng năm bậc so với năm 2016, xếp hạng 55 trên 137 quốc gia. Nếu xét riêng theo từng nhóm yếu tố thành phần cấu thành chỉ số năng lực cạnh tranh tổng hợp thì Việt Nam chỉ đứng trên 2 nước Campuchia và Lào, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, thực tế này rất đáng suy nghĩ và là những áp lực đặt ra, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn trong nội dung phối hợp của 6 cơ quan, tổ chức thời gian tới đây.

Chính vì vậy, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong năm 2018, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan để xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung chủ đề để triển khai giám sát theo hướng đổi mới phù hợp với hệ thống pháp luật hiện nay.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong hoạt động giám sát cần tập trung vào việc cải cách hành chính, đơn giản hóa làm sao tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp; tập trung rà soát đánh giá những quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, hải quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa quản lý thuế, hải quan theo hướng nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh thất thu thuế.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, trong hoạt động giám sát cần quan tâm đến giải quyết khiếu nại vướng mặc cho người nộp thuế, quản lý rủi ro, chống chuyển giá, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu; tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động thông quan, chống gian lận thương mại, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu; Tập trung công tác tuyên truyền vận động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội tham gia giám sát cải cách thủ tục hành chính.

Đối với việc tiến hành khảo sát, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phải được tiến hành đồng thời ở 63 tỉnh, thành phố để tăng thêm tính tham vấn từ đó làm cơ sở cho việc nhận định, đánh giá trên diện rộng. Việc tiến hành các Đoàn giám sát bên cạnh việc tập trung vào những địa phương điểm nóng, có nhiều vấn đề trong lĩnh vực thuế, hải quan cần có hướng dẫn để tổ chức giám sát ở quy mô rộng hơn.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành địa phương về những kiến nghị giám sát trong 3 năm qua để từ đó tạo thuận lợi, tháo gỡ về cơ chế chính sách, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Một số hình ảnh đại biểu tại hội nghị:

Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp - 3

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp - 4

Ông Vũ Tiến Lộc,Chủ tịch VCCI.

Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp - 5

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI.

Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp - 6

Ông Nguyễn Văn Minh,Trưởng ban Dân chủ pháp luật , UBTƯ MTTQVN.

Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp - 7

Ông Nguyễn Văn Thanh,Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN.

Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp - 8

Ông Phạm Công Kham,Phó Chủ tịch Hội Kế toán, kiểm toán VN.

Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp - 9

Ông Việt Hùng - Hiệp hội Kinh doanh vàng bạc VN.

Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp - 10

Ông Trương Văn Cần - đại diện Hiệp hội Dệt may VN.

Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp - 11

Ông Phạm Dỹ Danh , Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề VN.

Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp - 12

Toàn cảnh hội nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ nút thắt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp