Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn. Chỉ ra nguyên nhân, ông Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, một số quy định của pháp luật về thu hồi tài sản còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế.
PV: Thưa ông, trong năm vừa qua thu hồi tài sản tham nhũng về tiền đã tăng hơn 290%. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là: Tại sao thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra?
Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thu hồi tài sản tham nhũng đạt thấp. Đó là nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn hạn chế. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan thi hành án có lúc, có việc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài còn khó khăn, vướng mắc nên tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt còn thấp.
Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật về thu hồi tài sản còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra để bảo đảm cho việc thu hồi tiền, tài sản theo kết luận thanh tra được hiệu quả. Số tiền thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án hoặc đối tượng thanh tra không có tài sản, hoặc tài sản bảo đảm có giá trị thấp. Có những trường hợp pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu để thu hồi. Thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài, thời điểm xử lý vi phạm cách xa thời điểm có hành vi vi phạm nên xảy ra tình trạng tẩu tán, che giấu tài sản, dẫn đến khi thi hành án thì không còn tài sản để thu hồi.
Vừa qua tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã chỉ ra các nguyên nhân khiến thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt. Theo ông, tại sao vẫn chưa khắc phục được tồn tại lâu nay về thu hồi tài sản tham nhũng?
- Tôi đồng tình với các nguyên nhân được chỉ ra. Theo tôi, việc chưa khắc phục được tồn tại là do chưa giải quyết được các nguyên nhân như đề cập ở trên. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách trong việc xử lý tài sản hiện còn vướng mắc, điều này làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án và xử lý sau thanh tra, nhất là các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán.
Điều đáng nói hiện nay chúng ta mới chỉ kiểm soát được tài sản trong hệ thống chính trị, chưa kiểm soát được tài sản của các đối tượng ngoài xã hội khi đứng tên sở hữu, và cũng không thể xác minh được nguồn gốc tài sản đó có hợp pháp hay không. Chính khoảng trống pháp lý này vô hình trung trở thành nơi ẩn nấp tài sản của các đối tượng tham nhũng, không dễ thu hồi. Những nút thắt này cần sớm được giải quyết để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng.
Có ý kiến cho rằng cần rút gọn quy trình đối với việc xử lý tài sản án tham nhũng kinh tế để rút ngắn thời gian thu hồi tài sản cho Nhà nước. Theo ông đề xuất này có khả thi?
- Đề xuất nói trên là của ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, tôi đồng tình với đề xuất này. Đây là vấn đề cần phải có nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể để có giải pháp phù hợp. Thực tế chứng minh việc bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự là việc mang tính bắt buộc. Để đưa tài sản thi hành án dân sự ra bán đấu giá thì thời gian kéo dài từ lúc kê biên, thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, thẩm định giá lại, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký hợp đồng bán đấu giá, bán đấu giá không thành thì cần giảm giá tài sản để tiếp tục bán.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, tài sản thi hành án dân sự đưa ra đấu giá thì người phải thi hành án, thậm chí người thân, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan lại tìm cách không hợp tác với các cơ quan chức năng để giới thiệu tài sản.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, tôi cho rằng, trong thời gian tới khi sửa Luật Đấu giá tài sản cần nghiên cứu các cơ chế đặc thù về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản Thi hành án dân sự trong Luật Đấu giá tài sản. Cùng với đó, tiến tới sửa đổi các quy định của Luật Thi hành án dân sự để đảm bảo tính đồng bộ trong việc bán đấu giá đối với tài sản đặc thù này.
Nếu tài sản trong các vụ án không thu hồi được thì mục đích của việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mới chỉ đạt được một nửa. Theo ông cần giải pháp nào để giải quyết hiệu quả nhất vấn đề này?
- Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam cần tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Bên cạnh đó, có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Trước mắt cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong kê biên tài sản, phong toả tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!