Theo Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm, các địa phương đã khởi công 11 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn thấp khiến việc triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở còn chậm.
Chậm triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở
Theo Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm này, cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và đang triển khai 339 dự án, quy mô xây dựng khoảng 372.000 căn với tổng diện tích khoảng 18,6 triệu m2. Trong đó, nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp đang triển khai 116 dự án với quy mô 152.160 căn hộ; nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đang triển khai 223 dự án, quy mô khoảng 219.300 căn hộ.
Đáng chú ý, riêng 6 tháng đầu năm, các địa phương đã khởi công 11 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn thấp khiến việc triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở còn chậm. Cụ thể, đối với gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng cho người mua, cải tạo, thuê mua nhà ở, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội mới giải ngân được 140 tỷ đồng cho gần 800 khách hàng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu m2 nhà ở cho công nhân. Với kết quả này đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước. Đây là một hạn chế trong thời gian qua.
Đề cập về việc triển khai chính sách nhà ở cho công nhân, tại cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với người lao động mới đây, ông Dương Văn Thái- Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, đối với các doanh nghiệp (DN) hiện nay, vấn đề vướng mắc nhất là quy định của Nghị định 100 quy định về vấn đề thuê, thuê lại nhà ở, doanh nghiệp xây dựng nhà ở, nhưng người thuê phải trực tiếp ký hợp đồng với công nhân.
“Nếu một DN có 10 ha, giải quyết khoảng 20.000 công nhân có nhà ở, mà DN ký từng hợp đồng với từng công nhân, tức là phải có tới 20.000 hợp đồng. Cùng với đó là việc công nhân ở không ổn định, có người thay đổi công việc trong vòng 6 tháng, 1 năm, di chuyển chỗ khác, nên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện"- ông Thái dẫn chứng.
Cũng theo ông Thái, việc xác định giá để thuê hiện nay, hướng dẫn của các bộ, ngành cũng chưa cụ thể. Cùng đó, việc miễn giảm tiền thuê đất, Bắc Giang cũng như nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, thì sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong thực hiện triển khai nhà ở cho công nhân.
Sớm tháo gỡ những vướng mắc
Kết quả khảo sát về nhu cầu nhà ở được công đoàn thực hiện mới đây cho thấy, hiện có khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở. Trong số này chỉ gần 40.000 công nhân, chiếm 3%, sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp.
Thực tế nhà ở cho công nhân vốn là vấn đề nhức nhối, được bàn bạc từ lâu, tuy nhiên đang gặp nhiều rào cản trong việc triển khai. Ví dụ như Luật Đất đai; khó khăn khi huy động chủ thể tham gia; xã hội hóa xây dựng nhà ở... Trước thực tế này, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động cho biết, đơn vị đang kiến nghị phải tách riêng vấn đề nhà ở cho công nhân lao động ra, không đứng chung với chính sách nhà ở xã hội.
"Người nghèo có thể thu nhập chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng là nghèo, nhưng công nhân lương tháng 3 triệu đồng vẫn không khác gì người nghèo... vì thế cần có chính sách đặc thù trong xây dựng nhà ở cho công nhân, không thể đánh đồng cùng với các chính sách nhà ở xã hội nói chung được"- ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.
Phản ánh từ các DN cho thấy, hiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa đủ mạnh; nhiều thủ tục còn phiền hà như: Các dự án nhà ở xã hội vướng thủ tục trong xác định giá bán, khiến DN khó quyết toán hoặc cấp sổ hồng cho người mua chậm chễ. Cơ chế xây nhà ở cho công nhân đã khó, làm sao để người lao động tiếp cận được với nhà ở công nhân, nhà thu nhập thấp lại khó hơn. Bởi nhìn vào thu nhập hiện nay của người lao động có thể thấy để sở hữu ngôi nhà không hề đơn giản, nhất là ở những đô thị, thành phố lớn.
Theo các quy định hiện nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 2% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tại khu công nghiệp cũng phải dành 2% quỹ đất trong quỹ đất của khu công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.